The Theory of Everything - Tượng đài Stephen Hawking trên màn ảnh

quochoi
Phim của đạo diễn James Marsh kể về cuộc đời và hành trình chống lại căn bệnh hiểm nghèo của thiên tài vật lý.

Ngày 14/3, Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76, để lại sự nghiệp đồ sộ với những nghiên cứu mang tính bước ngoặt và biểu tượng. Bộ phim The Theory of Everything một lần nữa được nhớ đến, như một dấu ấn để thế giới tưởng nhớ Stephen Hawking, thiên tài có bộ óc vĩ đại trong thể xác teo nhỏ.

Eddie Redmayne (trái) tiếp xúc với Stephen Hawking nhiều tháng để hiểu về tâm lý của nhân vật anh hóa thân.

Năm 2015, khi Eddie Redmayne chiến thắng Oscar nhờ hóa thân thành Stephen Hawking trong The Theory of Everything, nhà vật lý đại tài chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân: "Chúc mừng Eddie Redmayne. Anh làm rất tốt. Tôi rất tự hào về anh". Stephen Hawking cũng thừa nhận ông bật khóc trong rạp khi lần đầu xem bộ phim về cuộc đời mình và đôi lúc nhầm lẫn Eddie Redmayne với chính bản thân.

The Theory of Everything là tác phẩm mô tả chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời nhà vật lý, thiên văn học nổi tiếng. Dựa trên cuốn hồi ký Travelling to Infinity: My Life with Stephen của bà Jane Hawking - vợ đầu của Stephen Hawking, bộ phim tái hiện gần như cả quãng đời của nhà vật lý, từ những ngày tháng tuổi trẻ đầy hoài bão, hành trình chống lại căn bệnh hiểm nghèo, tình yêu vượt lên nghịch cảnh của Stephen (Eddie Redmayne đóng) và bà Jane (Felicity Jones thủ vai) tới những tháng ngày ông ngồi xe lăn, giành được thành tựu khoa học kiệt xuất.

Stephen Hawking tới phim trường "The Theory of Everything"

Năm 1963, Stephen Hawking phát hiện bị mắc bệnh teo cơ tủy khi mới 21 tuổi, lúc chuẩn bị đưa ra công trình nghiên cứu đầu tiên về vật lý vũ trụ. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Stephen dần bị liệt, chỉ sử dụng được ngón tay và mắt, mất giọng nói. Diễn viên Eddie Redmayne nói anh mất bốn tháng để nắm bắt được thần thái của nhân vật, thông qua các cuộc trò chuyện và gặp gỡ Stephen Hawking.

Đạo diễn James Marsh cho biết ông đã mất gần 10 năm để chuẩn bị cho sự ra đời của The Theory of Everything. James Marsh tôn trọng sự thật và bám sát những tư liệu có được từ cuốn hồi ký nhằm giúp khán giả hiểu rõ và đồng cảm với những biến cố trong cuộc đời Stephen Hawking. Ngay cả chiếc máy hỗ trợ giọng nói trong phim, khi nhân vật của Eddie Redmayne phải ngồi xe lăn, cũng chính là giọng nói "điện tử" của Stephen Hawking lồng tiếng.

The Theory of Everything của James Marsh không đao to búa lớn, không đề cập tới những thành tựu kinh điển của Stephen Hawking. Phim chỉ dựng lên tượng đài giản dị nhất về một người đàn ông đối mặt những nỗi đau khi hôn nhân đổ vỡ, mặc cảm tự ti lúc bệnh tật không thể gượng dậy. Nhưng trên tất cả, đó là tinh thần lạc quan, cái nhìn tươi sáng về cuộc sống. Trong phim, Stephen Hawking giới thiệu về nghề nghiệp của bản thân trong cuộc hẹn hò với Jane: "Anh nghiên cứu về cuộc hôn nhân giữa không gian và thời gian". Còn The Theory of Everything là cuộc hôn nhân giữa nghệ thuật và hiện thực về Stephen Hawking.

Tác phẩm The Theory of Everything giành chiến thắng vang dội ở nhiều giải thưởng điện ảnh trong năm 2015, trong đó có năm tượng vàng Oscar, hai giải Quả Cầu Vàng, ba giải BAFTA...

Theo VnExpress

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết The Theory of Everything - Tượng đài Stephen Hawking trên màn ảnh tại chuyên mục Phim của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Phim khác

Oscar 2024: Phim 'Poor Things' lập hat-trick

Poor Things đang là bộ phim nhận được nhiều giải thưởng nhất Oscar 2024 khi thắng 3 giải liên tiếp, bao gồm: trang điểm và làm tóc, thiết kế mỹ thuật và phục trang xuất sắc. Các chiến thắng này một lần nữa củng cố vị thế của nữ diễn viên Emma Stone trên đường đua giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 96.