Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên, học sinh hãy trải nghiệm ChatGPT

Bảo Bối
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các nhà giáo, học sinh, sinh viên hãy dùng ChatGPT để hiểu đồng thời ứng dụng trong dạy và học.

"ChatGPT sẽ hỗ trợ tích cực cho giáo dục đào tạo nhưng không thể thay thế vai trò của người thầy. Và để hiểu hơn về ChatGPT. Để thấy được những mặt tốt và hạn chế thì giáo viên, học sinh, sinh viên phải sử dụng, trải nghiệm", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 13/2.

Không thể thay thế người thầy

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hàng loạt sản phẩm công nghệ đã ra đời, như tivi, máy tính, công nghệ dạy học trực tuyến… và thời gian đầu luôn khiến nhiều người lo lắng vai trò của người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng đứng trước những thách thức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tất cả những công nghệ đó đều giúp cho ngành giáo dục có những bước tiến lớn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên, học sinh hãy trải nghiệm ChatGPT - Ảnh 1Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm

Với sự ra đời của ChatGPT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Trong đó đặc biệt là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học, và ngày càng hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới người học nhiều hơn là người dạy.

Tuy nhiên, ông khẳng định dù công nghệ ngày một hiện đại hơn, người thầy không còn vai trò độc tôn trong truyền thụ tri thức như trước đây nhưng vai trò dẫn đắt của đội ngũ giáo viên là không thể thay thế. Vì thế, người thầy không chỉ cần thích ứng mà còn phải đón đầu để phát huy những lợi thế của công nghệ.

Đây cũng quan điểm của giáo sư Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư Tuấn cho hay ông đã thử đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản và câu trả lời của ChatGPT có thể đạt tới 9 điểm, nhưng khi hỏi sâu hơn thì ChatGPT không trả lời được. “Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thay đổi. Hiện nay giảng viên cũng ý thức rất cao về việc học viên có thể thu thập kiến thức từ nhiều nguồn và thậm chí có thể vượt trội về kiến thức đơn lẻ. Tôi cho rằng trong câu chuyện này vẫn còn quãng đường dài, dù đây mới chỉ là bản demo và trí tuệ nhân tạo còn phát triển. Chúng ta không quá lo lắng, hoang mang, nhưng rõ ràng cần phải có sự thay đổi, thích ứng,” giáo sư Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Với Phó giáo sư Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), ChatGPT chính là một cơ hội giải phóng bớt công việc cho giáo viên khi học sinh có thể tìm hiểu thông tin cơ bản qua ứng dụng này. “Tuy nhiên, thầy cô giáo cần chuyển đổi phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên nếu muốn các em chiếm lĩnh kiến thức,” ông Nam nói.

Hiểu công nghệ để thích ứng

Khẳng định chủ thể của ngành giáo dục vẫn là người thầy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng những tiến bộ công nghệ sẽ mở ra những cơ hội mới cho giáo dục và người thầy cần thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận để đón nhận. Chính sách của Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng cách tốt nhất để có sự thay đổi, thích ứng là phải hiểu công nghệ. Và, cách tốt nhất để hiểu công nghệ là phải dùng công nghệ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên, học sinh hãy trải nghiệm ChatGPT - Ảnh 2Công nghệ không thể thay thế nhưng sẽ làm thay đổi vai trò của người thầy

“Công nghệ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Sau đó, hãy thảo luận, làm rõ lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường đưa công nghệ vào giáo dục để giúp nhà giáo giảm bớt công việc, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như bình đẳng trong giáo dục. Đây cũng là những điều Bộ GD&ĐT hướng tới.

Ngành giáo dục cũng sẽ nghiên cứu cách hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ để đạt được mục đích mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục nhằm giúp mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Bên cạnh đó là việc giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường.

“Đó là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên, học sinh hãy trải nghiệm ChatGPT tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.