Theo đó, kế hoạch được đề ra với mục tiêu tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động, phát hiện kịp thời nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn Thành phố; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và khuyến khích sự tham gia của người dân trong hoạt động phòng chống NĐTP, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu, huy động sự tham gia, vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể và cộng đồng vào công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, thuốc, kinh phí tăng cường năng lực, kỹ năng điều tra, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, xử trí ngộ độc thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã nhằm đáp ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra. Từ đó, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe, tính mạng của người dân.
“Các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý… Kiện toàn đội điều tra, xử trí ngộ độc thực phẩm”.
Bên cạnh đó, triển khai các đợt cao điểm về truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các hội thi, sân khấu hoá về tìm hiểu các quy định của Luật An toàn thực phẩm; quy định chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể trường học, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp.
Tại kế hoạch này, UBND thành phố yêu cầu tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú ý đối với các nhóm thực phẩm do ngành quản lý. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất.
“Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng”, UBND thành phố nêu rõ.
Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, UBND thành phố yêu cầu, lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn là người chủ trì trong việc chỉ đạo triển khai toàn diện, các hoạt động xử trí, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Trường hợp cần thiết, huy động các đơn vị chức năng, đoàn thể xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương và đơn vị y tế tuyến trên hỗ trợ triển khai khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm.
Các đơn vị y tế tại địa phương (Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế...) chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động chuyên môn để khắc phục hậu quả như cấp cứu, điều trị người bệnh, xử lý môi trường; phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, kịp thời đình chỉ sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm bị nhiễm độc; thu hồi thực phẩm bị nhiễm độc đã sản xuất và đang lưu thông trên thị trường... Đồng thời, kết hợp với cơ quan Công an, Pháp y, các sở, ngành liên quan tiến hành điều tra nguyên nhân và giải quyết theo quy định; nhất là trường hợp có dấu hiệu hình sự (tổn thương sức khoẻ >11% (thông qua giám định), tai biến, tử vong...) thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, truy tố theo quy định.
UBND thành phố giao cho Sở Y tế Hà Nội xây dựng phương án phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, bố trí nguồn lực, hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân.
Đối với các sở: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế trong việc điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, khuyến khích sử dụng thực phẩm an toàn…
Riêng Công an thành phố triển khai đồng bộ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật