Trải nghiệm mới lạ khi học Văn trên đất Mỹ của cô bạn 10x từng giành giải Nhất quốc gia môn Văn ở Việt Nam

Hồng Ngọc
Dù từng giành điểm cao nhất trong kỳ thi HSG quốc gia môn Ngữ văn nhưng Uyên Linh chưa bao giờ đạt điểm tuyệt đối. Còn ở Mỹ, người học hoàn toàn có thể đạt điểm A+ dù quan điểm có trái ngược với số đông.

Phạm Hồ Uyên Linh (sinh năm 2000) là cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cô bạn từng giành giải Nhất kỳ thi Học sinh Giỏi quốc gia môn Văn năm lớp 11 và giải Nhì quốc gia năm lớp 12. Sau khi tốt nghiệp, Linh giành được học bổng toàn phần của ĐH Iowa (Mỹ), theo học hai ngành Văn học so sánh và ngành Ngôn ngữ và Văn học tiếng Trung.

Iowa vốn là thành phố thứ 3 của thế giới sau Edinburgh (Scotland) và Melbourne (Úc). Đây cũng là thành phố đầu tiên của nước Mỹ được UNESCO công nhận là Thành phố văn chương. Những trải nghiệm tại ngôi trường công lập hàng đầu nước Mỹ đã cho nữ sinh này có cách nhìn nhận khác về việc dạy và học môn Văn.

Trải nghiệm mới lạ khi học Văn trên đất Mỹ của cô bạn 10x từng giành giải Nhất quốc gia môn Văn ở Việt Nam - Ảnh 2
Khi ở Việt Nam, Uyên Linh từng đoạt giải Nhất môn Văn học sinh giỏi quốc gia.

Khi quyết định theo học ngành Văn ở nước Mỹ đã có không ít người ngạc nhiên với quyết định của cô bạn. Thành phố này giống như một thỏi nam châm hấp dẫn hầu hết những người yêu và viết văn trên toàn thế giới. Theo học tại đây, Linh có không ít trải nghiệm khiến bản thân hứng thú và bất ngờ.

"Trước đây, mình từng là HSG quốc gia môn Ngữ văn tại Việt Nam với 2 năm liên tiếp đoạt giải. Từng là người có điểm cao nhất cả nước nhưng điểm số khi đó mình vẫn chỉ đạt 18/20, tức là chưa phải mức điểm tuyệt đối. Ở Việt Nam, dù các bài kiểm tra thông thường hay bất kỳ cuộc thi nào rất hiếm học sinh đạt điểm tuyệt đối môn Văn.

Tuy nhiên ở Mỹ lại khác, học sinh hoàn toàn có thể giành điểm tuyệt đối mà không cần phải viết đúng theo barem nào cả. Giáo viên cũng không chấm điểm cho học sinh theo ý. Chỉ cần bài viết có chất văn, lập luận sắc sảo, dẫn chứng thuyết phục, người học hoàn toàn có thể đạt điểm A hay A+ dù điều đó có thể đối lập với quan điểm của số đông hay bày tỏ suy nghĩ khác với thầy cô. Học sinh được khuyến khích nói ra suy nghĩ của mình, kể cả đó là suy nghĩ, quan điểm khác biệt", Uyên Linh chia sẻ.

Trải nghiệm mới lạ khi học Văn trên đất Mỹ của cô bạn 10x từng giành giải Nhất quốc gia môn Văn ở Việt Nam - Ảnh 3
Cô bạn đã có một trải nghiệm khá thú vị khi theo học môn Văn tại Mỹ.

Một điểm khá thú vị, khi viết Văn ở Mỹ, cô bạn hoàn toàn có thể mở tài liệu để tìm dẫn chứng và điều này hoàn toàn khác ở Việt Nam. Cách học ở đây cũng rất khác, trước khi lên lớp sinh viên sẽ phải đọc toàn bộ tác phẩm được giao. Sau đó, ở lớp tiến hành những cuộc thảo luận cởi mở, sôi nổi về sự cảm nhận sau khi đọc xong tác phẩm.

Mỗi người hoàn toàn có thể nêu ý kiến cảm nhận khác nhau. Nhiệm vụ của giảng viên chỉ là đặt câu hỏi để đảm bảo cuộc thảo luận có trọng tâm và giúp sinh viên củng cố vững chắc lập luận chứ không phải ngồi giảng giải, càng không phải là đọc để sinh viên chép lại nội dung phân tích của mình.

Tất cả ý kiến đều sẽ được ghi nhận và giáo viên là người thống nhất một số kết luận chung. Tuy nhiên, mỗi người vẫn được giữ quan điểm của riêng mình. Các sinh viên có thể ghi chép lại tất cả cuộc thảo luận của các bạn và thầy cô.

Uyên Linh chia sẻ, ở Mỹ rất đề cao việc đọc nên không khó để bạn thấy cảnh bước ra ngoài đường ai cũng đang đọc sách. Trong thành phố có vô số hội nhóm liên quan đến hoạt động đọc sách. Thậm chí, ngay tại hội sinh viên Việt Nam trong trường ĐH Iowa cũng có một CLB đọc sách riêng. Thời điểm nghỉ hè, sinh viên vẫn thường gặp nhau mỗi tuần để trao đổi về cuốn sách mình đang đọc.

Trải nghiệm mới lạ khi học Văn trên đất Mỹ của cô bạn 10x từng giành giải Nhất quốc gia môn Văn ở Việt Nam - Ảnh 1
Du học tại Mỹ, Linh đã học hỏi thêm được rất nhiều điều ở nơi đây.

Cách kiểm tra bài học của giáo viên Mỹ cũng khá thú vị. Mỗi môn học, sinh viên sẽ phải tham gia một số bài kiểm tra theo những cách thức khác nhau. Nhưng hầu hết đều đòi hỏi sự sáng tạo của sinh viên chứ không theo một khuôn khổ nhất định.

Phương pháp dạy học tại ngôi trường mà Uyên Linh đang theo học vừa giúp sinh viên nói lên quan điểm, ý kiến riêng của bản thân vừa khiến người dạy cảm thấy hứng thú với tiết học. Bởi chính họ cũng đã học được rất nhiều thứ từ sinh viên.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

"Cây toán" dễ mến

Trong Ban chỉ huy Liên đội trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có một “cây ...

Bài Gương Mặt khác

Hành trình tri ân và khám phá lịch sử

Ngày 28/3, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Quảng Nam lần thứ VII đã diễn ra thành công tốt đẹp, đánh dấu một chặng đường phát triển mới của phong trào thiếu nhi địa phương.

Người thắp lửa đam mê

Cô giáo Nguyễn Thị Thu – Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn là người thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng học trò.

"Kình ngư" nơi phố núi

Nhắc đến Nguyễn Phương Bảo Ngọc, thần dân của lớp 7A10 trường TH-THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk) thì ai cũng nể phục tài năng bơi lội và niềm đam mê bơi lội của cô bạn dễ thương này.

"Chiếc huy chương biết cười"

Sở hữu gương mặt sáng bừng với nụ cười luôn rạng rỡ cùng “bộ sưu tập các huy chương”, bạn Nguyễn Đức Anh (lớp 3D, trường Tiểu học Chu Văn An A, Tây Hồ, Hà Nội) được thầy cô và bạn bè trìu mến đặt cho biệt danh thật dễ thương: “Chiếc huy chương biết cười”. Chúng mình cùng đến thăm bạn ấy nhé!