Trẻ em – nâng như nâng trứng…

Đức Hòa
TNTP - Càng ngày, trẻ em càng được bảo vệ chu đáo hơn: Hệ thống văn bản, luật pháp được củng cố, sự quan tâm của nhà trường, gia đình, báo chí, xã hội, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ngày một đa dạng, phong phú…

Chúng mình nên cập nhật thông tin từ chuyên mục để tự hiểu biết về các quyền của trẻ em, tự bảo vệ mình, các bạn và các em nhỏ hơn chúng mình nhé!

Không được phép làm tổn hại, dù chỉ là vô tình

Công bằng mà nói, rất nhiều vụ liên quan đến hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em nhờ sự lên tiếng của truyền thông đã đòi lại được công lý. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà báo vì thiếu hiểu biết và kiến thức về pháp luật, đã vô tình làm ảnh hưởng tới đời sống riêng tư, tinh thần và tương lai của trẻ em. Tới đây sự “vô tình” này sẽ bị pháp luật điều chỉnh…

Có nhà báo xuất phát từ động cơ thương trẻ em, nhưng đã làm hại tới các em. Dù nhà báo đã để ẩn tên các em, nhưng lại khai thác rất kỹ về họ hàng, gia đình, địa chỉ, trường học của các em, quên không làm mờ mặt nạn nhân... Có nhà báo lại "vô tư" cố gắng khai thác tận cùng nỗi đau của nhân vật, đôi khi thêm chút "gia vị" để lấy được sự quan tâm của công chúng…

Bác Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao quà tặng cho các đại biểu trẻ em tại Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em 2018”.

Bác Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, rất băn khoăn: “Một trẻ vị thành niên phạm tội, sau vài năm được xóa án tích trở lại cuộc sống đời thường, nhưng vết tích được lưu lại trên internet, trên mạng xã hội, trên báo thì tương lai đứa trẻ sẽ như thế nào?!”. Ông Nam cho biết, nhiều trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, khi bị báo chí khai thác đời tư quá kỹ đã không thể sống ở địa phương, cả gia đình em phải bỏ đi biệt xứ!

“Truyền thông phải góp phần cải thiện giúp đỡ chứ không nên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các em” – đó là mong muốn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí & Tuyên truyền). Để giúp đỡ được trẻ em, các nhà báo cần phải có kỹ năng tác nghiệp, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi và hiểu biết về luật để có một cách truyền thông cho đúng. Nếu không cẩn trọng, báo chí có thể sẽ vi phạm Quyền trẻ em ngay khi đang tìm cách bảo vệ các em!

Tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong rất khắt khe khi đăng bài về những trường hợp các em nhỏ bị xâm hại, bị tật nguyền, tự kỷ v.v… Ban biên tập luôn yêu cầu phải đăng hình các em khi đã làm mờ mặt, thay đổi tên, hoặc viết tắt tên các em, không được đưa rõ ràng địa chỉ, trường lớp của các em trong những ngữ cảnh nhạy cảm.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trẻ em – nâng như nâng trứng… tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác