Trứng bọ xít bám cả mảng trên quần áo
Mới đây, nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ hình ảnh khá rợn người: tổ trứng bọ xít bám chặt vào quần áo. Cô Nguyễn Phương Tú (Hà Nội) hốt hoảng chia sẻ: “Buổi tối đi rút quần áo không để ý nên vẫn mặc vào người bình thường. Một lúc sau thấy hơi cộm ở lưng, kiểm tra mới thấy ổ trứng ở mặt trong. Đã vậy chiếc váy có hoạ tiết hoa nên càng khó nhìn thấy”.
Chiếc váy có hoạ tiết hoa khiến cho trứng bọ xít trở nên "tàng hình". Bài chia sẻ này đã thu hút gần 10.000 lượt thích và gần 27.000 lượt chia sẻ.
Cô Nguyễn Vân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Lần đầu cô sợ hết hồn vì đám trứng bị vỡ ra. Những lần sau cô kiểm tra kỹ thì phát hiện đám trứng chưa nở nên đã gạt sạch và giặt lại quần áo”.
Còn bạn Hoàng Nhung (Bắc Ninh) cũng từng là nạn nhân của loài "quái vật" này: “Mùa hè là mùa bọ xít nhãn – vải đẻ trứng. Trước đây mình không biết nên khi mặc vào người bị rộp da. Về sau mỗi lần thu quần áo đều phải kiểm tra kỹ, gỡ ra rất nhiều”.
Chùm trứng bọ xít bám chặt vào quần áo khiến nhiều người hốt hoảng. (Ảnh: Facebook).
Trứng của loài bọ xít hại nhãn rất phổ biến ở Việt Nam. Chúng thường bám vào quần áo phơi ngoài sân hoặc những nơi có cây cối, đẻ trứng thành cụm dính chặt lên đó. Trứng mới đẻ có dạng tròn, màu xanh nhạt, rồi chuyển dần sang màu hồng sẫm và cuối cùng khi sắp nở sẽ có màu xám đen.
Những hạt trứng này chỉ tạm thời an toàn trong thời gian ngắn, bởi sau khi nở ra sẽ gây nguy hiểm cho con người. Nếu không kịp thời phát hiện đám trứng này, bọ xít con sẽ nở ra và tiết chất dịch chứa axit màu vàng nhạt. Nếu chẳng may chạm vào chất dịch này, bạn có thể bị rát, rộp da và các chứng bệnh viêm da. Thậm chí, nếu chất dịch này dính vào mắt mà không kịp rửa sạch, bạn có thể bị mù loà.
Chất dịch gây viêm da, mù mắt nhưng lại dễ bị nhầm với bệnh zona
Triệu chứng thường gặp của viêm da do dịch từ bọ xít là bề mặt da bị rát, đỏ thành từng vệt dài, phù nề, bọng nước nằm rải rác trên vùng da bị kích ứng. Bởi vậy, nhiều trường hợp người bệnh nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh zona, điều trị sai cách khiến bệnh kéo dài tới vài tháng cùng những biến chứng nặng nề, để lại sẹo, vết thâm.
Chất dịch màu vàng của bọ xít. (Ảnh: Internet).
Theo Tri Thức Trẻ, BS Nguyễn Thành (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: "Điều đáng lo ngại là cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều nhầm lẫn bệnh này với bệnh zona (thường gọi là giời leo), trong khi việc điều trị 2 bệnh này hoàn toàn khác nhau. Khi điều trị sai cách có thể gây biến chứng nặng nề trên da".
Bọ xít đang đẻ trứng. (Ảnh: Internet).
Theo bác sĩ, bọ xít đẻ trứng thành từng mảng nhưng khi nở ra thành bọ xít non thì sẽ phân tán rộng rãi, không chỉ bám ở vật ban đầu mà sẽ lan ra những đồ vật xung quanh. Khi bị chạm vào, chúng sẽ sợ hãi và tiết chất dịch cho dù đối phương không chủ động tấn công. Khi giặt quần áo, chăn màn có thể làm bọ xít chết nhưng vô tình điều đó lại khiến cho chất dịch của chúng bám khắp bề mặt đồ vật. Mặc lên người sẽ bị kích ứng da toàn bộ cơ thể.
Những lưu ý để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình
Vào mùa hè, bạn nên kiểm tra cẩn thận cả mặt trong, mặt ngoài từng chiếc quần, áo, khăn,... để phát hiện và loại bỏ trứng bọ xít.
Nếu bọ xít đã nở, tuyệt đối không đập chết chúng bằng tay mà nên sử dụng tấm khăn to, ẩm nhấc chúng lên. Sau đó lấy một tấm khăn ướt lau hết chất dịch còn sót lại.
Nếu có triệu chứng viêm da do tiếp xúc với chất dịch, tránh làm lây lan ra vùng da khác. Nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước xối mạnh, rửa bằng xà phòng tính kiệm. Đồng thời nên đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Nếu dịch bọ xít dính vào mắt, tuyệt đối không dụi mà nên nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần để giảm rát, đau cho giác mạc. Dùng khăn sạch thấm cho sạch dịch. Nếu mắt có hiện tượng mờ đi, sưng đỏ hay xung huyết cần đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để khám chữa kịp thời, tránh biến chứng gây ảnh hưởng thị lực.
Huệ Anh