Trung Thu ở các nước

Nhi Đồng
Ở Việt Nam, Trung Thu là Tết của trẻ em, là ngày hội mong chờ nhất của các bạn nhỏ. còn ở các nước hay vùng lãnh thổ châu á khác thì sao nhỉ? Hãy cùng xem Trung Thu ở mỗi nước có điểm gì thú vị nhé!

Nhật Bản

Tết Trung Thu ở Nhật được gọi là Otsukimi nghĩa là “ngắm trăng”. Nó cũng diễn ra vào đúng ngày Rằm tháng 8, khi trăng tròn nhất, sáng nhất. Ngoài ra, người Nhật còn có Tết trăng khuyết được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 âm lịch.

Vào Rằm tháng 8, mọi gia đình đều dùng cỏ bông bạc hoặc vài nhánh lúa để cắm thay hoa trong nhà. Đồ lễ không thể thiếu nữa là bánh nếp - viên bánh tròn xoe màu trắng tượng trưng cho vầng trăng, có thể thêm khoai môn hoặc khoai sọ, cộng với rượu sake. Tất cả mâm lễ như là cúng dường cho Mặt Trăng để cầu nguyện cho một vụ thu hoạch dồi dào. 

Trẻ em Nhật Bản thường rước đèn cá chép trong các lễ hội thưởng trăng. Mỗi đứa trẻ Nhật Bản đều có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ, vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai. Truyền thuyết cho rằng, cá chép là hiện thân của võ sĩ sa-mu-rai vì nó dám lội ngược dòng thác nước.

Hàn Quốc

Trung Thu tại Hàn Quốc có tên gọi là Chuseok hoặc Hangawi, kéo dài trong 3 ngày với ngày Tết chính là 15-8 âm lịch. Chuseok vừa là lễ hội mừng mùa bội thu, vừa được xem như ngày lễ tạ ơn của người Hàn.

Trong dịp lễ lớn này, người nông dân Hàn Quốc ăn mừng một vụ mùa vừa qua, những người sống xa nhà sẽ về thăm quê, thể hiện lòng thờ kính với tổ tiên và cùng gia đình ăn bữa cơm đoàn viên gồm những món truyền thống của Hàn Quốc và rượu gạo. Món ăn đặc trưng nhất trong dịp Trung Thu của người Hàn Quốc là một loại bánh gạo truyền thống hình bán nguyệt có tên songpyeon. Loại bánh này có chứa các nguyên liệu như hạt mè, đậu đen, đậu xanh, quế, hạt thông, quả óc chó, hạt dẻ, táo tàu và mật ong. Đặc biệt, khi làm, songpyeon được hấp qua một lớp lá thông để giúp mang lại hương thơm, vẻ đẹp và hương vị đặc trưng của bánh. Từ một truyền thuyết cổ xưa mà người Hàn Quốc tin rằng, hình dạng một nửa mặt trăng là điềm báo về một tương lai tươi sáng hay chiến thắng. Bởi vậy, bánh songpyeon có hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn như bánh Trung thu của các nước khác.

Người Hàn Quốc thay vì múa lân sư rồng, sẽ hóa trang thành những chú bò, chú rùa cùng với một đoàn lễ nhạc đi đằng sau trong ngày hội Chuseok. Những trò chơi truyền thống trong dịp này còn có đấu vật, đánh trận giả, thi bắn cung, kéo co, chọi gà (người)… Ở miền ven biển phía Nam, vào đêm trăng tròn, phụ nữ Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống hanbok, nắm tay nhau đứng thành vòng tròn và nhảy điệu Ganggangsullae - một điệu múa hát dân gian truyền thống.

Đài Loan

Trung Thu, hay còn gọi Lễ hội trăng, là một trong những sự kiện phổ biến nhất trong năm ở Đài Loan (Trung Quốc). Lễ hội Trung thu ở Đài Loan là sự pha trộn giữa cả truyền thống và hiện đại.

Bánh Trung Thu vẫn là một phần quan trọng của Lễ hội trăng ở Đài Loan với nhiều hương vị khác nhau, từ truyền thống cho đến những “biến thể” phong phú như kem lạnh, nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng tròn - tượng trưng cho Mặt Trăng đầy đặn và sự đoàn tụ của gia đình.

Vào dịp Trung thu, trẻ em Đài Loan thường đội những chiếc mũ vỏ bưởi để được may mắn. Người xưa tin rằng, Nữ thần Mặt Trăng sẽ “ưu ái” hơn đối với những đứa trẻ đội chiếc mũ làm từ vỏ loại trái cây mà nàng yêu thích và sẽ đáp ứng lời thỉnh cầu của những đứa trẻ đó.

Cam-pu-chia

Lễ hội Trung Thu ở Cam-pu-chia chủ yếu được tổ chức bởi cộng đồng người gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người Khmer bản xứ vì nó gắn liền với niềm tin về “cầu nguyện tới Mặt Trăng” và truyền thuyết Phật giáo về loài thỏ - được cho là tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

Người dân địa phương gọi Lễ hội Trung Thu là “Lễ hội Trăng tròn”, bởi ở Cam-pu-chia không có mùa thu. Vào sáng sớm hôm đó, mọi người bắt đầu chuẩn bị lễ vật để cúng trăng, gồm hoa tươi, súp sắn, cốm dẹt, nước mía.

Buổi tối, mọi người đặt tất cả đồ cúng vào một chiếc khay, đem để trên một chiếc chiếu lớn và thảnh thơi ngồi chờ trăng lên. Khi Mặt Trăng nhô lên đầu cành cây, mọi người thành tâm cúng trăng, cầu xin phước lành… Sau nghi lễ “tôn thờ Mặt Trăng”, người già lấy cốm dẹt thả đầy vào miệng của trẻ con để mong sự đầy đủ và những điều tốt đẹp.

Sing-ga-po, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a

Lễ hội Trung Thu còn được gọi là Lễ hội đèn lồng (khác với Lễ hội đèn lồng ở Trung Quốc diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng). Đây đúng nghĩa là “bữa tiệc” của các loại đèn lồng giấy đủ màu sắc, hình dạng và kích cỡ.

Đến Ma-lai-xi-a vào dịp này, bạn cũng sẽ được thưởng thức những chiếc bánh Trung Thu độc đáo cả về hình dáng lẫn mùi vị. Hình dạng chiếc bánh Trung Thu của Ma-lai-xi-a khác hoàn toàn so với bánh Trung thu của Trung Quốc, mặt bánh thường có hình dạng của những con sò biển hay bông hoa, nay có thêm bánh dẻo lạnh (bánh Trung thu tuyết) với nhân và vỏ lạnh mang đến cảm giác hoàn toàn mới lạ cho người thưởng thức.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trung Thu ở các nước tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác