Truyền thuyết đẹp ở Bình Đà

Chu Hải
TNTP - Theo hướng đi về Chùa Hương, cách thị xã cổ Hà Đông chừng 10km là làng Bình Đà (thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Ngôi đình thiêng của làng nằm bên trái, đón gió thổi từ hồ Long Vân. Vào mùa sen, mặt ao đình phủ kính những lá hoa thơm mát. Người già trong làng vẫn chọn gốc cổ thụ bên đình để nghỉ chân đi chợ mỗi sáng…

Đình làng Bình Đà là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Thời chiến tranh, ngôi đình đã từng bị tiêu thổ kháng chiến, chỉ hậu cung ngôi đình cũ là còn, đến những đồ thờ cũng phải sơ tán về nhà dân cất giữ. Hòa bình lập lại, qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình đã phần nào tìm lại được kiến trúc thuở xưa.

Bức phù điêu cha Lạc Long Quân trong hậu cung đình làng Bình Đà.

Đầu tiên phải nói đến bức phù điêu cổ có niên đại vài trăm năm, được sơn son thếp vàng đặt trang trọng tại hậu cung của đình. Bức phù điêu khắc họa hình ảnh cha Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng và xung quanh là các quần thần. Phù điêu chia làm 3 phần, tượng cho “tầng trời”, “tầng đất” và “thủy cung”. Cha Lạc Long Quân gương mặt uy nghiêm, vận áo rồng, đai ngọc, đội mũ có lưỡng long chầu nguyệt, hai tay chấp giữ thẻ bài; những người tham gia có kẻ chèo thuyền, người bắn cung... Tất cả đều hiện lên sống động như thể phù trợ sinh lực cho người đến tham quan, truyền sinh khí cho muôn dân trăm họ sống trên đất Việt.

Hội làng Bình Đà là hội của làng nhưng danh tiếng rộng khắp cả vùng, các cụ vẫn nói: “Quy mô bằng hội tổng”. Hằng năm cứ vào ngày chính hội mùng 6 tháng 3 Âm lịch, khi tiết xuân viên mãn, dân làng lại chuẩn bị đầy đủ vật phẩm cúng tế. Chiếc kiệu Mã được đặt nghệ nhân danh tiếng trong vùng làm từ trong Tết. Đoàn rước kiệu từ đình ngoài vào đình trong, bao giờ kiệu Mã cũng là kiệu quan trọng nhất. Người ta sẽ hóa “Mã cũ” và thay vào đó “Mã mới” để thờ phụng trong suốt một năm trời. Đám rước mang theo đức tin, nguồn sinh lực quý của đất trời và vị Thành hoàng làng truyền đến cho muôn họ, muôn dân. Người dân thường lập ban thờ nhỏ có lễ vật giản dị là hương hoa, cau trầu để cúng hai bên đường, mong phúc lộc đến với gia đình và cháu con. Đình làng mở cửa từ 26-2 Âm lịch, người làng mời bạn bè xa gần đến chơi hội, ăn hội. Nhưng vui nhất là dự đám rước của làng và các dòng họ dâng vật phẩm đến cúng tế tại đình làng. Đám rước chạy dài cả con phố Bình Đà vốn đã sầm uất từ xưa…

Rộn rã đám rước hội làng ngày 6 tháng 3 Âm lịch…

Trong hội làng, quan trọng nhất là tục thả “bánh thánh”. Duy chỉ một gia đình dòng họ Nguyễn Văn ở thôn Chua được làm món bánh kiểu “cha truyền con nối” này. Bánh thánh là bánh trôi, hay bánh chay, nhưng công đoạn làm bánh và thả bánh xuống giếng làng như thế nào đến bây giờ vẫn là một bí mật. Bánh làm xong, đúng giờ định, “rồng” sẽ đến đón bánh đặt tại hậu cung. Cúng tế xong, bánh được rước ra giếng thả. Rồng đón đường, cờ xí rợp trời vây lấy. Người thả bánh bận áo the, khăn đóng, bịt miệng bằng chiếc khăn chéo màu đỏ. Muôn dân xem, mà không tỏ. Nghi thức xong, ai ai cũng thấy rằng ước nguyện của mình trong phút thiêng ấy đã nghiệm…

Nguyễn Minh Hoa
(Nhóm Làng Việt xưa và nay)

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Truyền thuyết đẹp ở Bình Đà tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Thời tiết ngày càng khó lường

Theo tạp chí The Atlantic, từ năm 2024, xu hướng tăng nhiệt toàn cầu đã không còn là những kỷ lục đơn lẻ mà trở thành một diễn biến rõ ràng, nguy hiểm với tốc độ thay đổi khí hậu ngày càng nhanh và phi tuyến tính.