“Tuyệt chiêu” sinh tồn của động vật sa mạc

Khoa học Khám phá
Sa mạc nổi tiếng với môi trường vô cùng khắc nghiệt, tuy nhiên các loài động vật ở đây vẫn sống “khỏe re” nhờ có những “tuyệt chiêu” sinh tồn độc đáo.

1. Cáo Fennec: Tiêu tán nhiệt qua đôi tai lớn

Cáo Fennec (còn được gọi là cáo Bắc Phi) sở hữu đôi tai cực kỳ lớn. Điều này không chỉ khiến cho khuôn mặt của chúng trở nên quá đỗi dễ thương, mà còn là công cụ xử lý nhiệt độ cơ thể đặc biệt hữu hiệu.

Trên khắp vành tai rộng lớn ấy là các mạch máu cho phép cáo Fennec tiêu tán nhiệt lượng dư thừa. Thêm vào đó, đôi tai của cáo Fennec còn cực kỳ nhạy bén, giúp chúng nghe được cả âm thanh nhỏ xíu của con mồi đang di chuyển trong lòng cát.

2. Cầy Meerkat: Biến đôi mắt thành cặp kính mát

Trong khi cáo Fennec “đầu tư” cho đôi tai để thuận lợi sống về đêm thì cầy Meerkat lại chọn cách biến đổi cặp mắt cho phù hợp với điều kiện kiếm ăn vào ban ngày. Trong đôi mắt của chúng có các mảng màu đen, hoạt động như chiếc kính mát tự nhiên vậy. Nhờ đó, cầy Meerkat có thể kiếm ăn cả vào ban trưa, khi ánh nắng chói chang nhất.

Đặc biệt, đôi mắt này còn có một lớp màng bảo vệ để che chắn cho con ngươi tránh khỏi bị bụi bẩn tấn công. Nhờ vậy, cầy Meerkat có thể thoải mái dùng chân bới đất đào hang mà không lo bụi bay vào mắt.

3. Chuột Acomys: Tái tạo da cực nhanh

Da của loài Acomys (chuột gai châu Phi) cực kỳ mỏng manh và rất dễ bị rách. Nhưng đó không phải điểm yếu của loài chuột này, trái lại, nó còn giúp chúng thoát thân trong những trường hợp nguy hiểm.

Khi bị động vật săn mồi tấn công, chuột Acomys sẽ chủ động “thí” luôn một mảng da, vì nó có thể tái tạo phần da đã mất rất nhanh. Không chỉ có da, chuột Acomys còn có thể tái sinh cả lớp lông, tuyến mồ hôi, thậm chí là cả sụn nữa.

4. Gà lôi đuôi dài: Không cần uống nước và vẫn sống tốt

Gà lôi đuôi dài cũng là “cư dân sa mạc” ở châu Mỹ. Chúng có khả năng bay từng đoạn ngắn, nhưng lại chẳng mấy khi sử dụng đến cặp cánh, chỉ thích chạy bộ. Tốc độ chạy của chúng khá ấn tượng, có thể đạt tới 42km/h.

Tuy nhiên, điều độc đáo hơn cả ở gà lôi đuôi dài là chúng không cần uống nước. Thậm chí, chúng có thể sống cả đời mà không cần chạm vào một giọt nước nào. Thực ra thì chúng vẫn cần nước, nhưng loài vật này đã hấp thụ đủ hơi ẩm trong thức ăn hàng ngày rồi - từ côn trùng, thằn lằn, bọ cạp, cho đến các loài chim nhỏ hơn.

5. Quái vật Gila: Ăn một lần cho vài tháng

Quái vật Gila là một loài kỳ giông có độc, chủ yếu sinh sống trong các sa mạc ở châu Mỹ. Chúng có vẻ ngoài “béo trục béo tròn”, nhưng lại chỉ ăn có 5-10 bữa/năm.

Đổi lại, mỗi một lần ăn, quái vật Gila có thể “ních” một lượng thức ăn bằng hẳn 1/3 trọng lượng cơ thể. Chất béo sẽ được tích trữ trong chiếc đuôi to mập, đủ để chúng lấy ra dùng dần cho vài tháng.

6. Sóc đất Nam Phi: Lấy đuôi làm ô che nắng

Sóc đất Nam Phi có một thói quen hết sức đáng yêu, đó là lấy luôn cái đuôi bông của mình làm ô che nắng. Khoảng 70% hoạt động hàng ngày của chúng là đi kiếm ăn ở ngoài trời. Và để đỡ bị nắng thiêu đốt, chúng cong cái đuôi bông xù lên để che lưng, che đầu cho mát.

7. Thằn lằn Meroles Anchietae: Vũ điệu tránh nóng

Thằn lằn Meroles anchietae thích nghi cực tốt với môi trường khắc nghiệt ở sa mạc Namib (Đông Nam châu Phi). Để ngăn chặn ảnh hưởng của những hạt cát nóng bỏng, loài thằn lằn này đã sáng tạo ra một vũ điệu tránh nóng đặc biệt, giúp đôi chân chúng hạn chế thời gian tiếp xúc với cát.

Bên cạnh đó, “cư dân sa mạc” này tích lũy độ ẩm và duy trì lượng nước trong cơ thể bằng cách uống sương mù đọng lại trên các bộ phận cơ thể của mình. Đặc biệt hơn, trên cơ thể của chúng có hai bàng quang: Một chứa nước tiểu và một chứa nước thường. Những con thằn lằn Meroles anchietae có thể tích trữ một lượng nước bằng 12% trọng lượng cơ thể trong bàng quang thứ hai. Nếu bàng quang đầy, chúng có thể sống sót một tuần mà không cần uống thêm nước.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết “Tuyệt chiêu” sinh tồn của động vật sa mạc tại chuyên mục Vui - Độc - Lạ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

NASA phát hiện loại hành tinh mới: "Siêu Sao Kim" GJ1214b

Kính viễn vọng không gian James Webb đã phát hiện một loại hành tinh hoàn toàn mới, được gọi là "siêu Sao Kim", với đặc điểm khác biệt chưa từng thấy so với các hành tinh trong hệ Mặt Trời và những ngoại hành tinh đã biết.

Ngắm loạt "bé na" siêu dễ thương ở Trung Quốc

Các linh vật rắn được ra mắt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở các thành phố Trung Quốc đều được thiết kế với sự tỉ mỉ và sáng tạo, mang theo một câu chuyện riêng biệt, thể hiện nét đặc trưng của từng vùng miền.

12 loài chim di đẹp rực rỡ

Họ Chim di (Estrilidae) thuộc bộ sẻ (Passeriformes) gồm những loài chim nhỏ ăn hạt, thường có màu sặc sỡ, tính bầy đàn cao. Có nhiều loài chim di đẹp độc đáo phân bố khắp lục địa Úc - Á - Phi, trong đó có Việt Nam.