Theo tác giả Tommy Walker, báo cáo của Google Destination Insights cho thấy Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20. Sự nổi tiếng của Việt Nam được thể hiện qua số lượng khách du lịch quốc tế. Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố, Việt Nam đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023, vượt tổng lượng khách quốc tế trong năm 2022.
Tăng trưởng du lịch cao hơn so với dự đoán
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế trong năm 2023 nhưng dự đoán con số này có thể tăng lên 10 triệu người. Deutch Welle dẫn đánh giá của ông Bobby Nguyễn, Chủ tịch công ty du lịch Rustic Hospitality Group cho rằng sự gia tăng chủ yếu đến từ khách du lịch Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Theo ông Bobby Nguyễn, việc sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng của các nhóm du lịch lớn cũng giúp tăng cường sự nổi tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều kênh truyền thông trực tuyến như Facebook, Instagram, TikTok, các kênh quảng bá trên Google hay các kênh mạng khác cũng là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhanh nhất.
Những cải thiện chính sách visa của Việt Nam sẽ thúc đẩy du lịch
Bài báo cũng cho rằng các chính sách thị thực mới của Việt Nam cho du khách quốc tế sẽ thúc đẩy ngành du lịch của Việt Nam. Gary Bowerman, nhà phân tích du lịch tại Kuala Lumpur (Malaysia) cho rằng khi chính sách thị thực có hiệu lực trong tháng 8 tới sẽ thấy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Theo chuyên gia Bowerman, một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam là địa điểm đến ít được biết, chưa được khai phá hết, mang đến cả cơ hội du lịch và kinh doanh. Nhiều người trẻ quốc tế muốn tìm hiểu và khám phá về Việt Nam và Việt Nam đang là địa điểm thu hút đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch. Năm 2019, Việt Nam đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế. Tác giả bài báo cho rằng điều đó có nghĩa là Việt Nam vẫn còn một chặng đường phía trước nếu muốn cạnh tranh du lịch với các nước trong khu vực như Thái Lan. Nhiều nhà điều hành du lịch cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện ở một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng, cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ cần được đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Ngoài ra cũng cần có các kế hoạch đào tạo trong lĩnh vực nhân sự du lịch để đáp ứng chất lượng dịch vụ cung cấp cho du khách.
Thái Lan đặt kỳ vọng đạt 20 triệu du khách vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, ngành du lịch Thái Lan đang đặt mục tiêu trở lại mức của năm 2019, khi nước này đón lượng khách du lịch quốc tế kỷ lục 39 triệu lượt. Nhà phân tích Bowerman nhận định, Thái Lan giành vị trí là quốc gia được du khách ghé thăm nhiều nhất trong khu vực và du lịch Thái Lan đang hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, trước đại dịch, Việt Nam thực sự không được coi là đối thủ, nhưng chắc chắn trở thành một "thế lực mới nổi". Việt Nam đang được coi là điểm đến lớn tiếp theo trong ngành du lịch ở Đông Nam Á.
(theo VOV)