Xâm hại tình dục trẻ em: Kì 1-Những tổn thương từ trong mái ấm

Chu Hải
TNTP - Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2016), cả nước ghi nhận gần 6,7 ngàn vụ xâm hại trẻ em. Hơn 8.100 trẻ đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại...

Xâm hại tình dục trẻ em, ngày nay đã trở thành một vấn nạn bức xúc trong cộng đồng. Hàng ngày, xem tin tức báo đài, dễ dàng tìm thấy những thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2016), cả nước ghi nhận gần 6,7 ngàn vụ xâm hại trẻ em. Hơn 8.100 trẻ đã trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại. Đây chỉ là con số được thống kê chính thức, con số thực tế sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Điều đáng nói, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em, hung thủ lại là những người thân quen, gần gũi, thậm chí là người thân trong gia đình.

Những hung thủ bất ngờ không lạ mặt

Mới đây, tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ vừa xét xử một thanh niên trẻ có hành vi hiếp dâm bạn gái 10 tuổi. Bạn gái này là chị họ của bị cáo, trước đó được bị cáo dụ dẫn đi chơi rồi lợi dụng đưa đến chỗ vắng, thực hiện hành vi đồi bại. Ngày trời nắng nóng, thanh niên tên Tuấn Anh đến rủ chị họ của mình là T.T đi tắm ao. Sau khi tắm xong, Tuấn Anh đưa T. đến một căn nhà bỏ hoang phía sau một trường đại học thuộc quận Ninh Kiều để thực hiện hành vi xâm hại. Sau vụ việc, Tuấn Anh đưa T về nhà, dọa không được kể với ai, nếu không sẽ giết chết. Sau nhiều ngày lo sợ, bạn T đã kể lại vụ việc cho bà nội và cha mình nghe, sau đó, gia đình trình báo lên cơ quan chức năng. Tại tòa án, Tuấn An khai nhận do đã sử dụng ma túy đá nên không kiểm soát được hành vi của mình. Đối tượng này bị phạt 10 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”.

Việc tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, ở tỉnh Đắk Lắk, một thanh niên 24 tuổi người dân tộc tên Y Rol cũng vừa bị tuyên 10 năm tù giam về tội “hiếp dâm trẻ em”. Nạn nhân của thanh niên này là bạn gái 12 tuổi, em họ của Y Rol. Trước đó, Y Rol đến nhà người em họ ở cùng buôn để uống rượu. Khi mọi người trong nhà đã say và đi ngủ, Y Rol đi xuống bếp thì thấy em họ 12 tuổi đang nấu cơm. Thanh niên này dụ bạn nhỏ này ra phía sau vườn nhà rồi khống chế để xâm hại. Tuy nhiên, trong khi thanh niên này đang thực hiện hành vi thì bị cháu bé kêu la. Sợ bị mọi người phát hiện, Y Rol đã dừng lại và dặn bé gái không được nói chuyện này cho ai biết. Sau đó, bé gái đã kể lại toàn bộ sự việc cho mẹ nghe. Gia đình đã làm đơn trình báo lên cơ quan Công an. Tại phiên tòa, gia đình cháu bé có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Y Rol vì dù thanh niên này có hành động sai trái nhưng đối với gia đình của bé gái thì Y Rol vẫn là một người thân.

Giữa tháng 11 vừa qua, một người đàn ông 52 tuổi vừa bi bắt ở Vũng Tàu vì xâm hại con riêng của vợ mình nhiều lần. Người đàn ông tên Hùng, kết hôn với mẹ bạn nhỏ năm 2004. Từ giữa năm 2013, lợi dụng lúc mẹ ấy đi làm thường xuyên vắng nhà, Hùng đã nhiều lần xâm hại con gái riêng của vợ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi Hôi Luật sư Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM) đang hỗ trợ gia đình một bạn gái 16 tuổi bị anh rể xâm hại đến có thai. Trong lúc đi phụ giúp việc cho nhà anh rể, H. bị chính anh rể dùng vũ lực cưỡng hiếp khiến mang thai. Thấy bạn có biểu hiện khác lạ, người mẹ cứ nghĩ con gái đang mập lên, phải đến tháng thứ 8 của thai kì, gia đình H. mới biết được sự thật. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, H. học đến lớp 7 thì nghỉ học, sau đó đi giúp việc cho nhà anh rể là H.C.L. Vì bị anh rể đe dọa đánh đập nên H. không dám kể cho mẹ biết sự việc, mãi đến sau này, khi người mẹ thấy bụng con to bất thường, gặng hỏi thì mới bàng hoàng biết được sự thật. Sau khi biết được H. bị chính anh rể của mình xâm hại, nhưng nghĩ là chuyện trong gia đình, nếu để người ngoài biết sẽ rất xấu hổ nên mẹ bạn gái đó không tố cáo. Cô chỉ hẹn gặp người cháu rể để nói chuyện. Ban đầu L. xác nhận là bố của đứa bé, hứa sẽ nhận con về để nuôi dưỡng nhưng sau đó lại trở mặt, bỏ trốn. Bế tắc, chị M tìm đến Chi hội Luật sư bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM để cầu cứu.

Khi “xâm hại tình dục” trở thành nỗi ám ảnh

Đại tá Nguyễn Hữu Sự - phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Ở các vùng nông thôn, việc này xảy ra do người lớn đi làm để trẻ em ở nhà hoặc các em đi bộ đi học trên đoạn đường dài. Khoảng thời gian này là cơ hội cho những đối tượng xấu tìm cách xâm hại trẻ. Theo đại tá Sự, ở các thành phố, các khu đô thị lớn, vấn đề cũng phức tạp không kém. Tình trạng các thanh niên dụ dỗ, đưa các bạn gái 10-15 tuổi đi nhà nghỉ, trốn gia đình sống chung nhiều ngày diễn ra phổ biến. Theo Tổng cục Cảnh sát, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 803 vụ xâm hại tình dục trong cả nước. Các địa phương xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đáng báo động là Hà Nội, Tây Ninh, Kiên Giang, TP.HCM. Khảo sát tại 15 tỉnh, thành phố phía Nam thuộc Đông - Tây Nam bộ và TP.HCM từ năm 2014-2016, ghi nhận xấp xỉ 1.000 vụ xâm hại. Trong đó, 78 nạn nhân là các bạn dưới 10 tuổi, 306 các bạn 10-13 tuổi và 632 nạn nhân từ 13-16 tuổi. Trong khi đó, cả nước có trên 4100 vụ xâm hại trẻ em trong giai đoạn 2014 – 2016.

Ngày ngày, các luật sư của Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM luôn phân công luật sư trực tại trụ sở của Hội Phụ nữ TP.HCM để tư vấn trực tiếp hoặc thông qua đường dây nóng về phòng chống xâm hại tình dục.

Cũng theo Tổng Cục Cảnh sát, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em hầu hết là những người có cuộc sống bình thường ít ai ngờ tới, có quan hệ gần gũi với nạn nhân và gia đình nạn nhân như người thân, ruột thịt, thầy giáo, hàng xóm… Tình trạng loạn luân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, cảnh báo về sự suy đồi đạo đức trong xã hội.

Giảm bớt tổn thương - Con đường quá khó

Trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng đáng báo động¸ Bộ Công an đã phối hợp cùng nhiều ban ngành đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hội thảo và xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương như: “Quán cà phê pháp luật”, “Diễn đàn lắng nghe trẻ em”, “Tuyến phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở cho thuê lưu trú”, Câu lạc bộ “Khi mẹ vắng nhà”, “Mẹ và con gái”, “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”, “Mẹ có con tuổi vị thành niên”… Ngoài ra, tại các quận, huyện cũng có xây dựng đường dây nóng, hộp thư tố giác tội phạm.

Thế nhưng, trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết: “Tôi thường được mời tham gia các diễn đàn, hội thảo của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, và của Bộ Công an như vừa kể trên. Những diễn đàn, hội thảo này có mục đích rất tốt. Thế nhưng, khi triển khai cũng gặp nhiều trở ngại. Khó khăn là chúng tôi không thể thực hiện xuyên suốt, thường xuyên và sâu rộng vì điều kiện không cho phép. Khi vận động chị em phụ nữ đến tham gia các diễn đàn tuyên truyền pháp luật, cung cấp kĩ năng phòng chống xâm hại cho con em mình trong gia đình thì cũng không dễ. Bởi đa số họ là công nhân, quá bận rộn với công việc và cũng không nghĩ những thông tin này là cần thiết đề tiếp cận. Nhiều buổi gặp gỡ, ban tổ chức đã tạo động lực để các chị em tham gia bằng cách là tặng những phần quà cho họ, hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn. Thế nhưng nguồn kinh phí này khá hạn chế!”

Các luật sư Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ pháp lí cho các nạn nhân là các bạn nhỏ bị xâm hại tình dục trong điều kiện cho phép.

Để bảo vệ thiết thực và trực tiếp hơn cho phụ nữ và trẻ em, từ nằm 2015, Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đã được thành lập để tư vấn, hỗ trợ pháp lí cho các đối tượng phụ nữ, trẻ em bị thương tổn trong xã hội. Từ khí thành lập đến nay, Hội này đã tiếp tụ hơn 100 vụ việc liên quan đến vấn nạn “Xâm hại tình dục trẻ em”. Khi hay tin các vụ việc trẻ em bị xâm hại ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, các luật sư nhanh chóng đến gặp gỡ gia đình, trẻ em để kịp thời tư vấn, hỗ trợ pháp lí. Hiện nay, hội có hơn 20 luật sư, mỗi ngày các luật sư của chi hội thay phiên nhau trực văn phòng tư vấn tại trụ sở của Hội Phụ nữ TP.HCM để tư vấn trực tiếp hoặc thông qua đường dây nóng về các vụ việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục. Khi hỗ trợ cho các nạn nhân theo đuổi các vụ án “xâm hại”, Chi hội Luật sư không có một nguồn kinh phí và nguồn quỹ hoạt động nào được cấp phát. Chỉ là các luật sư tự nguyện bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền đến tận nơi hỗ trợ gia đình nạn nhân theo đuổi các vụ kiện. Luật sư Nữ cho hay: “Làm những việc này, đôi lúc các anh chị em trong hội cũng tự động viên nhau “Cố gắng làm với cái tâm của những người hoạt động thiện nguyện. Sức mình đến đâu thì cố đến đó. Hi vọng sẽ có ngày khi xã hội biết đến hoạt động của Chi hội nhiều hơn, các đoàn thể chức năng sẽ có sự hỗ trợ hợp lý để mọi người có điều kiện bảo vệ quyền lợi trẻ em trong các vụ xâm hại nhiều hơn!”

Dạy kĩ năng phòng chống xâm hại là “vẽ đường cho hươu chạy”?

Trao đổi về tác hại của xâm hại tình dục trẻ em đối với phụ nữ và các bạn gái nhỏ, chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ, phòng khám Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, cô từng tiếp nhận điều trị cho nhiều bạn gái là nạn nhân của các vụ xâm hại bởi những người trong gia đình mình. Nguyên nhân của những vụ việc này, đứng về phía các đối tượng gây án, là do sự thiếu nhận thức pháp luật, trách nhiệm đạo đức và cả vì rối loạn hành vi tình dục. Về phía các bạn gái bị hại, các bạn chưa được giáo dục đúng đắn về những giới hạn của tình yêu thương trong gia đình và chưa biết cách bảo vệ cơ thể mình. Khi báo chí, truyền thông đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục đây cũng là một cách để cảnh báo về vấn nạn này, giúp mọi người tiếp cận được thông tin dễ dàng, từ đó cẩn thận hơn trong việc chăm sóc, quản lý con, em mình. Thế nhưng, theo chuyên viên Minh Huệ, việc làm cần thiết và lâu dài hơn là phải giáo dục kĩ năng cho các bạn nhỏ về việc bảo vệ bản thân mình, nhận diện những nguy hiểm tiềm ẩn từ cộng đồng. Bởi khi đã xảy ra vụ việc thì dù đối tượng gây án có chịu trách nhiệm trước pháp luật thì tổn thương của các nạn nhân vẫn còn đó. Biết cách đề phòng tai nạn trước khi tai nạn xảy ra vẫn là cách tốt hơn.

Phiên tòa giả định, tuyên truyền về kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục của Chi hội luật sư - Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM chưa được diễn ở nhiều trường.

Đầu năm học 2017-2018, thầy Hoàng Long Trọng (Giáo viên bộ môn Ngữ Văn của trường Văn Lang, Q.1, TPHCM) cùng học sinh đã đề xuất chủ đề “Kĩ năng phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục cho học sinh” cho dự án học tích hợp (môn học kết hợp các môn Ngữ Văn, Tin học, Mỹ Thuật).

Tuy nhiên, khi báo cáo đề tài, thầy và các bạn phải đổi sang chủ đề khác theo hướng dẫn của Phòng giáo dục Q.1 với lí do: “Nội dung nhạy cảm, dễ “dẫn đường hươu chạy”. Thầy Long Trọng và các bạn đành chuyển đề tài sang chủ đề “Tìm hiểu và thực hiện Quyền Trẻ em”. Thầy cho biết: “Có thể, thời gian này, các cấp còn cẩn trọng vì chưa tập huấn kĩ và mở rộng về kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục cho tất cả các giáo viên. Tôi hi vọng sắp tới, ngành giáo dục sẽ có lộ trình cụ thể trong việc tuyên truyền phòng chống quấy rối, phòng chống xâm hại trong học đường. Vì đây là việc rất cần thiết cho các bạn học sinh”.

Trước đó, vào tháng 4/2016, hơn 2.000 bạn học sinh trường Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) tham dự phiên tòa giả định với chuyên đề “Xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM thực hiện. Phiên tòa đã được các bạn chăm chú lắng nghe, gửi hơn 50 thắc mắc đến các luật sư để được tư vấn, mở rộng kĩ năng ứng xử, kĩ năng giao tiếp và bảo vệ mình. Nhưng, sau đó, Chi hội luật sư chỉ diễn phiên tòa giả định về bạo lực học đường, vì theo cô Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng, Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM) thì: “Đó là phiên tòa đầu tiên và cũng là phiên tòa cuối cùng về xâm hại tình dục cho đến thời điểm này. Vì theo Thành ủy chỉ đạo không được thực hiện phiên tòa giả định liên quan đến xâm hại tình dục vì có thể phiên tòa sẽ “dẫn đường cho hươu chạy”.

Thực hiện: Phương Anh – Nguyễn Thắm

Đề tài được thực hiện dưới sự tài trợ của chương trình học bổng báo chí khu vực Đông Nam Á SEAPA 2017.

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xâm hại tình dục trẻ em: Kì 1-Những tổn thương từ trong mái ấm tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Tiếp tục cụ thể hóa “Bộ tứ trụ cột” Nghị quyết Trung ương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Chiều 30/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các cơ sở giáo dục.

Sức mạnh của đoàn kết

Báo TNTP&NĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết: "SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT" của bác Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.