Tiếng Việt ngày này đang dần trở thành ngôn ngữ được ưa chuộng ở các quốc gia khác, bằng chứng là nhiều nước đã đưa ngôn ngữ này trở thành môn học trong trường phổ thông hoặc mở cả khoa, ngành đào tạo trong trường đại học. Nhưng có thể thấy, ngoài bảng chữ cái, Tiếng Việt còn có thêm cả hệ thống thanh điệu tạo âm sắc cho tiếng nên rất khó học.
Dạo gần đây nhiều đề kiểm tra Tiếng Việt xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người Việt phải đau đầu, và cảm thấy hoang mang khi chính bản thân ra tay làm bài cũng chưa chắc đạt điểm tối đa.
Điển hình phải kể đến bài kiểm tra của các sinh viên nước ngoài. Bài tập này yêu cầu sinh viên nghe câu ca dao, tục ngữ bị khuyết nhiều chỗ, sau đó, tìm từ thích hợp để điền vào phần có đánh dấu sao (*).

Các câu hỏi đều là những tục ngữ, ca dao dân gian của Việt Nam mà với nhiều gen Z, chắc hẳn đọc qua sẽ thấy lạ lẫm lắm. Chẳng hạn:
(21): Thà rằng / * /... /... /.../ lời. (các lựa chọn: bát cơm rau / còn hơn cá thịt / ăn/ nói nhau nặng)
(22): Nghèo ... /... /... / * / nghèo. (các lựa chọn: tiền nghèo bạc / nhân nghèo nghĩa / chả cho là / thì lo, nghèo)
(23): Xưa nay /... / * /... / ... / hay. (các lựa chọn: mình thì / thế thái nhân / thì đẹp, văn/ tình, vợ người)
(24): Thế gian /... / ... / * / ... / lành. (các lựa chọn: còn dại chưa / áo rách, chết / khôn. sống mặc / chôn áo)
(25): Đồng /... / * /... / ... / người. (các lựa chọn: không hồ, sao / khéo tô mặt / tiền không phấn / mà khéo điểm)
(26) Càng / * /... /... /.../ lâu. (các lựa chọn: càng phai, thoang / thoảng hoa nhài / mà lại thơm / thắm thì lại)
(27): Cây /... / * /... / ... / con. (các lựa chọn: mẹ hiền lành/ cũng xanh, cha/ xanh thì lá / để đức cho)
(28): Rượu /... / * /... / ... / nhàm. (các lựa chọn: cũng say, người / dẫu hay cũng / nhạt uống lắm / khôn nói lắm).
Bài tập này có thời gian làm bài là 6 phút. Với người Việt, bạn có thể giải quyết hết các câu trên trong thời lượng đã cho?

Sau đây là đáp án tham khảo dành cho những bạn còn đang "lóng ngóng" tìm câu trả lời:
(21): Thà rằng ăn bát cơm rau/ Còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời
(22): Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo/ Nghèo tiền nghèo bạc chả cho là nghèo
(23): Xưa nay thế thái, nhân tình,/ Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay
(24): Thế gian còn dại chưa khôn,/ Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành
(25): Đồng tiền không phấn, không hồ/ Sao mà khéo điểm, khéo tô mặt người
(26): Càng nồng thì lại càng phai/ Thoang thoảng hoa nhài mới được thơm lâu
(27): Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con
(28): Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
Sau khi đọc đề và làm thử, nhiều người Việt tỏ ra khá ngỡ ngàng đối với độ khó của bài thi này. Còn bạn, bạn tự tin mình có thể làm được bao nhiêu câu trong đây? Hãy cho Thieunien.vn biết với nhé!