20/11 ở lớp trẻ tự kỷ: "Bó hoa ném đất" nhưng nặng tình yêu thương

Phan Thoa
Thay vì đưa hoa cho cô, học trò lại cầm bó hoa ném xuống đất, nhưng với những giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở trung tâm Giáo dục Đặc biệt Tâm An thì hình ảnh đó nặng cả một tình thương hơn là tủi hờn nghiệp giáo.

Nhóm phóng viên Thiếu Niên Tiền Phong có mặt ở trung tâm Giáo dục Đặc biệt Tâm An, Linh Đàm, Hà Nội đúng ngày 20/11. Cũng như những nơi khác, ngày 20/11, ở đây cũng có hoa, nhưng không khí có vẻ trầm lắng, thiếu những tiếng chúc mừng ngây ngô của đám học trò, nhưng không vì thế mà lớp học thiếu đi tiếng nói cười của cô giáo, của những “mẹ” hằng ngày đang yêu thương đám học trò khiếm khuyết về tư duy bằng một tình yêu vô bờ bến.

Đứng chờ các em học sinh thân yêu của mình ở cửa lớp, cô Nguyễn Thị Dung phụ trách chuyên môn của trung tâm Giáo dục Đặc biệt Tâm An nhận bó hoa từ tay bé Đ. Vẻ mặt cô bừng lên nét rạng ngời vui sướng, đôi mắt cô – trò cứ long lanh ngấn lệ khi bé Đ. ôm chân mẹ ú ớ cố nói mấy câu mẹ mớm lời để chúc cô.

Nói là tặng hoa, chứ thực ra hành động của bé là đẩy bó hoa vào người cô giáo, rồi bé bẽn lẽn chạy về ôm chân mẹ. Với nhiều người, có lẽ hành động đó khiến họ mủi lòng, nhưng ở trung tâm, thì việc được các bé “tặng hoa” thế này đã là niềm hạnh phúc lớn lao, an ủi nhiều lắm.

Nhìn bé Đ. theo mẹ vào lớp, cô Dung lấy tay lau vội giọt nước mắt ngang má khi nhìn theo học trò. Cô kể: “Như bé Đ. là khá lắm rồi, có cháu còn chẳng thể đưa được bó hoa cho cô giáo mà ném xuống đất.” Khoảnh khắc ấy, cô Dung thấy thương con hơn là tủi hờn với nghiệp dạy trẻ tự kỷ mà mình theo đuổi. Bởi, với những trò như vậy, các cô biết mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, yêu thương nhiều hơn nữa với các học trò.

Bước lại chào cô giáo để đến nơi làm việc, mẹ bé Đ. ngậm ngùi: “Em đã tập cho con nói chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11 cách đây nửa tháng rồi, tuy nhiên...”

Cô Dung chia sẻ thêm, trong ngày 20/11, các cô ở đây rất ít khi được các cháu tặng hoa, lời chúc nhân ngày Nhà giáo cũng là một món quà xa xỉ. Những lời chúc, những hành động bình thường tưởng như đơn giản ở đứa trẻ khác, đối với trẻ tự kỷ lại là điều thần kỳ... Việc các con ở đây nói trọn vẹn câu chữ cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao với các cô rồi.

Đối với mỗi giáo viên dạy trẻ tự kỷ thì tình yêu thương, tâm huyết, sự kiên trì, chuyên môn vững chắc, kinh nghiệm chính là điều quan trọng để mỗi trẻ có thể tiến bộ.

Không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy trẻ tự kỷ, phần lớn, các cô phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để điều chỉnh cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm và tâm huyết chính là “kim chỉ nam” cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ.

Mỗi trẻ bị tự kỷ lại có một dạng rối loạn khác nhau. Hành vi, tính cách của các em cũng không em nào giống em nào. Vì vậy việc giáo dục trẻ tự kỷ gần như không có giáo án cụ thể, thầy cô phải sát sao và có cách hướng dẫn, dạy dỗ khác nhau cho từng trẻ, cô Dung cho biết.

Sự an ủi và niềm vui lớn nhất của cô giáo dạy trẻ tự kỷ là sự tiến bộ rõ rệt của các con mỗi ngày. Sự thay đổi tuy ít và chậm, nhưng đối với cô và trò đều rất giá trị.

Làm giáo viên đã khó, dạy các trẻ tự kỷ còn khó hơn gấp bội. Bằng tình yêu thương và sự tận tâm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Dung cùng các giáo viên tại Trung tâm giáo dục Đặc biệt Tâm An đang từng ngày nỗ lực giúp trẻ mắc chứng tự kỷ sớm hòa nhập với cuộc sống, được đến lớp như các bạn cùng trang lứa.

Trong những ngày này, cô trò ở Trung tâm cũng vừa học vừa chuẩn bị cho ngày lễ 20/11. Tuy các kỹ năng của con còn hạn chế rất nhiều, nhưng các cô vẫn tận tụy dạy các bạn ở đây làm thiệp chúc mừng, làm hoa, rồi vẽ những bức tranh, tô màu trên những tấm thiệp để dành tặng các cô.

Nói về điều ước cho ngày 20/11, các cô mong muốn không phải là những quà, hoa hay lời chúc, mà hạnh phúc giản đơn chỉ là thấy các con tiến bộ, nói cười.

Một số hình ảnh các cô đang hướng dẫn cho các con viết lời chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam!

 

Duy Minh - Nam Phương

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 20/11 ở lớp trẻ tự kỷ: "Bó hoa ném đất" nhưng nặng tình yêu thương tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.