Anh Có Phải Đàn Ông Không hiện đang là bộ phim nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Phim chọn đề tài gia đình nhưng lại không đi sâu khai thác những hy sinh của người phụ nữ mà thay vào đó lại nói về những áp lực mà những người đàn ông phải trải qua.
Cùng với đó, Anh Có Phải Đàn Ông còn còn là những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, công việc và tình yêu của những người trẻ/ Đúng như câu hỏi ở tên phim, Anh Có Phải Đàn Ông Không? khiến không ít người xem trăn trở, thậm chí giật mình khi nhận ra bóng dáng của người cha, người chồng hoặc người anh trên màn ảnh nhỏ.
Nhật Minh đại diện cho kiểu đàn ông cố chấp, ích kỉ và cực kì gia trưởng
Nhìn bề ngoài, Nhật Minh có vẻ là anh chàng lịch lãm, phong độ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ đạo mạo ấy chính là hình ảnh của một ông chồng gia trưởng, độc đoán và cực kì cố chấp. Khi vợ bận việc ở công ty mà không về nấu cơm tối kịp, thay vì giúp vợ làm việc nhà hay nấu bữa tối, anh sẽ nằm ườn ra ghế sofa để chờ vợ về và mắng nhiếc.
Chưa hết, Nhật Minh còn chứng tỏ mình là người đàn ông vô cùng ích kỉ khi thấy vợ lên chức anh bắt đầu mỉa mai và châm chọc. Sau nhiều năm chịu áp lực từ ông chồng khô khán,vô tâm và gia trưởng, Lệ cũng đã phải khóc rất nhiều và chia sẻ: "Cay đắng lắm, cuộc sống vợ chồng nhiều lúc mệt mỏi lắm".
Đã không hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, trên công ty Nhật Minh còn là một người đàn ông cục cằn và ngang ngược. Vừa bị đồng nghiệp nói mỉa vài câu anh đã dùng ngay nắm đấm để giải quyết mọi việc. Cũng vì lí do này mà Nhật Minh bị đuổi việc, có lẽ đây cũng chính là lúc anh nhìn nhận lại chính bản thân mình.
Duy Anh đại diện cho kiểu đàn ông biết yêu thương vợ nhưng lại nhu nhược, thậm chí là hèn nhát
Trái ngược với Nhật Minh, Duy Anh là một người chồng, người cha rất biết chăm lo cho gia đinh. Cũng vì yêu vợ thương con mà anh chấp nhận từ bỏ công việc cũng như đam mê của bản thân để ở nhà làm nội trợ. Tuy nhiên việc làm một ông bố nội trợ cũng không hề dễ dàng đối với anh, dần dần anh mất đi sự tôn trọng của con gái, người thân và cả xã hội ngoài kia.
Vì vợ làm "nóc nhà" và cũng là người kiếm tiền nuôi cả gia đình nên trong nhà Duy Anh hoàn toàn không có tiếng nói. Hễ vợ nói một câu anh nghe theo một câu. Duy Anh chính là kiểu đàn ông gắn bó thời gian đầu sẽ thấy rất tốt nhưng về lâu về dài sẽ làm cho người phụ nữ ở cạnh thấy mệt mỏi và chán chường bởi phải gồng lên để giải quyết tất cả mọi chuyện.
Tuấn Khang đại diện cho kiểu đàn ông lăng nhăng
Ưu điểm lớn nhất của Tuấn Khang chính là đẹp trai và giàu có. Tuy nhiên cũng vì vẻ ngoài đẹp mã nên anh tự cho mình cái quyền chà đạp lên tình cảm của phụ nữ. Tuấn Khang chưa bao giờ có ý định kết hôn và cũng không nghĩ đến chuyện nghiêm túc trong bất kì mối quan hệ nào.
Hiện tại thói trăng hoa của anh đã bị Vy - Quỳnh Kool phát hiện - vốn tưởng Tuấn Khang là good boy nên Vy đang rất sốc và quyết định chia tay anh chàng này. Tuy nhiên sau đó chị gái của Vy đã ra tay để dạy cho Tuấn Khang một bài học.
Có thể nói, Anh Có Phải Đàn Ông Không chính là một câu chuyện với những góc nhìn đa chiều về đàn ông. Ở đó không có bất kì người đàn ông nào là hoàn hảo, và sau những biến cố của gia đình cũng như những mâu thuẫn của cuộc sống hôn nhân, họ mới dần hoàn thiện bản thân mình hơn.