Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt

Anh Tú
Ở tuổi 38, Nguyễn Tiến Minh vẫn là lá cờ đầu của làng cầu lông Việt Nam. Đây là điều khiến người hâm mộ không khỏi vừa vui, vừa buồn.

Huyền thoại cầu lông Nguyễn Tiến Minh

Không cần phải là một người quá am hiểu về cầu lông, bạn cũng có thể dễ dàng trả lời câu hỏi ai là huyền thoại vĩ đại nhất của làng cầu Việt. Tên tuổi của Nguyễn Tiến Minh không chỉ có sức lan tỏa mạnh mẽ ở trong nước mà bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, mỗi khi nhắc đến hai từ Tiến Minh, dù là cổ động viên hay các vận động viên, họ cũng đều thán phục trước ý chí, đẳng cấp của tay vợt 38 tuổi.

Đúng vậy, khi nói về Tiến Minh chúng ta không thể dùng từ tài năng, mà phải là đẳng cấp. Trong sự nghiệp thi đấu cầu lông chuyên nghiệp của mình, Tiến Minh từng đạt được những chiến tích khiến rất nhiều tay vợt phải thèm khát.

Thứ hạng cao nhất anh từng đạt được trên bảng xếp hạng của Liên đoàn cầu lông thế giới là hạng 4. Vào năm 2013, tay vợt của đoàn thể thao Hồ Chí Minh từng đánh bại tay vợt danh tiếng Jan O Jorgensen trong trận tứ kết World Championship 2013. Cũng trong trận đấu này, sức mạnh ý chí của người con đất Việt đã được Tiến Minh thể hiện rất rõ khi cùng tay vợt người Đan Mạch tạo nên loạt rally kéo dài tới 108 chạm. Trong trận bán kết gặp Lin Dan, Tiến Minh không thể tạo ra bất ngờ. Dù vậy, việc ghi được 17 điểm trong set một và 15 điểm trong set hai trước huyền thoại vĩ đại nhất mọi thời đại cũng có thể được coi là một thành tích đáng tự hào.

Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt - Ảnh 1
Tiến Minh có tới 4 lần tham dự Olympic vào các năm 2008, 2012, 2016 và 2020.

Và nếu bạn chưa biết, Tiến Minh còn là một biểu tượng tại Olympic với 4 lần tham dự giải đấu danh giá này. Dù anh thường bị loại sớm, tuy vậy chỉ riêng việc giành được quyền tranh tài ở đấu trường danh giá này cũng đã là một thành công. 

Tất nhiên, chẳng thể phủ nhận vẫn có chênh lệch trình độ lớn giữa Tiến Minh với những huyền thoại như Lin Dan, Lee Chong Wei, Chen Long, Taufik Hidayat hay Peter Gade. Vậy nhưng vị trí thứ 4 thế giới mà Tiến Minh từng đạt được cũng chẳng phải chỉ là hư danh mà thôi.

Đối với đa phần những tay vợt cùng thời, Tiến Minh chẳng hề "ngán" đối thủ nào cả. Theo thống kê từ BWF, tỷ số đối đầu giữa Tiến Minh với nhà cựu vô địch Đan Mạch mở rộng 2016 (1/12 giải Super Series theo hệ thống cũ) Tanongsak Saensomboonsuk là 7-1, với chủ nhân tấm huy chương đồng World Championship 2014 Tommy Sugiarto là 6-1 và với huyền thoại cầu lông Đan Mạch Jan O Jorgensen là 6-2. Ngay cả sư đệ của Lee Chong Wei là Liew Daren cũng từng nhiều lần gác vợt trước huyền thoại cầu lông Việt Nam. Liew Daren thua Tiến Minh tới 6 trận, chỉ thắng được 1 trận mà thôi.

Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt - Ảnh 2
Tiến Minh ăn mừng khi chiến thắng Jan O Jorgensen tại World Championship 2013.

Tiến Minh thua Lee Chong Wei tới 11 lần, nhưng anh từng khiến kẻ về nhì vĩ đại phải nếm trái đắng tại Singapore 2009. Điều tương tự cũng xảy ra với Chen Long cũng như là vua backhand Taufik Hidayat, dù cho xét về tỷ số đối đầu tổng thể, hai tay vợt của Trung Quốc và Indonesia vẫn dẫn trước.

So với một tay vợt đình đám ở thời điểm hiện là Chou Tien Chen, Tiến Minh cũng đang có nhiều chiến thắng hơn. Anh thua tay vợt người Đài Loan ở giải vô địch châu Á 2015, Đài Loan Open 2015, nhưng trong năm 2012, Tiến Minh đã đánh bại đối thủ ngay tại sân nhà. Vào năm 2014, tay vợt của chúng ta là người chiến thắng trong cả hai màn so tài tại Singapore và Mỹ. Khi đó Tiến Minh đã 31 tuổi còn Chou Tien Chen 24 tuổi. 

Ngoài ra, anh cũng từng đả bại Bao Chunlai - tay vợt danh tiếng một thời của cầu lông Trung Quốc, đàn anh của những Lin Dan, Chen Long hay Chen Jin. Và nếu bạn cần một ví dụ gần với hiện tại hơn, vậy thì hãy nhìn vào cái cách Tiến Minh gây khó khăn cho tay vợt số một thế giới đương đại là Kento Momota tại giải vô địch cầu lông châu Á 2019. Trong set đầu, Tiến Minh bằng lối đánh bền bỉ đã lên được tới điểm số 18 trước cây vợt người Nhật Bản.

Người kế cận Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải

Với bảng vàng thành tích tại các sân chơi quốc tế, không có gì khó hiểu khi quay trở về "ao làng", Tiến Minh không thể tìm thấy đối thủ trong suốt nhiều năm trời. Rất hiếm khi các tay vợt trẻ có thể đánh bại Tiến Minh, và nó chỉ thường diễn ra trong những năm gần đây khi anh chịu nhiều gánh nặng tuổi tác. Điều này khiến giới mộ điệu vừa khâm phục Tiến Minh, vừa lo lắng đặt ra câu hỏi: Các tay vợt trẻ gặp nhiều khó khăn tới vậy trước một ông lão gần 40 tuổi, vậy thì làm sao có cơ hội để gặt hái những thành công lớn khi ra biển lớn?

Đã từ lâu, những người làm cầu lông Việt Nam đã phải đau đầu trong việc tìm kiếm Tiến Minh thứ hai. Phạm Cao Cường từng là niềm hy vọng số một khi sở hữu thể hình tốt hơn hẳn người đàn anh. Xét về tính thẩm mỹ, Cao Cường sở hữu kỹ thuật đẹp hơn. Bộ pháp của Cao Cường cũng không "trông khổ khổ" như nhận xét của nhiều người về tay vợt 38 tuổi. Vậy nhưng điều khiến Cao Cường trở thành một quả bom xịt của cầu lông nước nhà, đó là ý chí và sự kỷ luật.

Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt - Ảnh 3
Cao Cường thảm bại trước Kento Momota tại World Championship 2019.

Bằng chứng của nhận định này, đó là khi Cao Cường đụng độ Kento Momota tại World Championship 2019. Bằng mắt thường, chúng ta có thể thấy Cao Cường lên cân rất nhiều, và thể hình của anh hoàn toàn không đạt chuẩn của một vận động viên đánh đơn. Tất nhiên, chênh lệch trình độ giữa đôi bên là chẳng thể chối cãi, nhưng nếu sở hữu một thân hình vừa vặn hơn, thi đấu quyết tâm hơn, có lẽ Cao Cường sẽ không thua tan tác với tỷ số cách biệt 9-21, 10-21. 

Bây giờ, Cao Cường mới chỉ 25 tuổi mà thôi. Đây là đội tuổi rất đẹp với các vận động viên. Lùi lại quá khứ, Tiến Minh ở tuổi 25 đang nam chinh bắc chiến khắp nơi và có lần đầu tiên tham dự Olympic. Trong khi đó, Cao Cường lại mất tích ở các sân chơi lớn.

Thời điểm hiện tại, hai tay vợt đình đám nhất của Việt tại nội dung đơn nam là Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng. Hải Đăng được mệnh danh là "tiểu Momota", vậy nhưng thực tế trình độ của anh cùng với Momota còn cách nhau rất xa. Lối đánh của Hải Đăng phần nào tương đồng với tay vợt số một thế giới, nhưng tư duy chiến thuật, nền tảng thể lực của Hải Đăng thua kém không ít. Trong giải vô địch cá nhân toàn quốc 2020, Hải Đăng thậm chí đã để thua trước tay vợt 18 tuổi Đình Hoàng đến từ Lâm Đồng.

Về phần Đức Phát, anh sở hữu thể hình rất chuẩn. Nhờ lợi thế chiều cao, Đức Phát có khả năng tung ra những cú đập uy lực. Trong số các vận động viên Việt Nam, Đức Phát là một trong số những người có thành tích tốt nhất ở đấu trường quốc tế. Vậy nhưng đừng nói đến việc so với Tiến Minh ở cùng độ tuổi, ngay cả ở những giải đấu trong nước, Đức Phát cũng chưa thể cho thấy sự áp đảo. Cũng ở giải vô địch cá nhân toàn quốc 2020, nếu như Hải Đăng thất bại trước Đình Hoàng, Đức Phát cũng để thua một tay vợt trẻ khác, đó là Tiến Tuấn của Hà Nội.

Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt - Ảnh 4
Đức Phát hay, nhưng cả anh lẫn Hải Đăng đều chưa thể trở thành người kế nhiệm hợp cách của Tiến Minh.

Tất nhiên, chúng ta không gạt đi toàn bộ những nỗ lực của Hải Đăng và Đức Phát. Sẽ không sai khi gọi họ là những tay vợt giỏi, nhưng đẳng cấp thì chắc chắn là chưa.

Cần đầu tư nhiều hơn

Một trong những vấn đề cốt lõi khiến cầu lông Việt Nam thua kém cầu lông Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc hay “anh cả” Trung Quốc, đó là việc chúng ta chưa dành cho bộ môn này sự đầu tư đúng mực. 

Khi nói đến cầu lông nội, người hâm mộ sẽ lập tức nghĩ ngay đến các giải phủi. Thử tìm kiếm trên youtube, giải đấu nhận được nhiều sự quan tâm nhất chắc chắn phải là giải Thành Công Mạo Khê – một giải phủi, chứ không phải là những giải đấu do Liên đoàn cầu lông Việt Nam đứng ra tổ chức, và giải đấu này cũng không có nội dung đơn nam.

Nếu từng đọc các bình luận trên các kênh youtube, các trang mạng xã hội, bạn sẽ thấy nhiều người còn nhận xét rằng các vận động viên Việt Nam chú trọng các giải phủi hơn cả giải đấu chính thức. Vì đâu lại như vậy? Đơn giản là các giải phủi, giải làng mang đến nguồn thu nhập lớn hơn cho các vận động viên.

Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt - Ảnh 5
Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nếu muốn có những tay vợt trẻ đẳng cấp như Lee Zii Jia của Malaysia.

Đã chọn con đường cầu lông chuyên nghiệp, tin rằng bất cứ vận động viên nào cũng mang trong mình ngọn lửa đam mê. Thế nhưng đam mê chưa bao giờ là tất cả, bởi ai cũng có những áp lực cuộc sống của riêng mình.

Hơn nữa kể cả khi không phải lo về chuyện tiền bạc, sự thiếu đầu tư cũng khiến cho các vận động viên Việt thua kém nhiều so với những người đồng nghiệp ở các nền cầu lông phát triển hơn. Có câu không bột khó gột nên hồ, và để Việt Nam cũng có những Lee Zii Jia, Anthony Ginting, Shi Yu Qi hay Lu Guangzu, rõ ràng chúng ta cần phải đầu tư mạnh tay hơn.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ai sẽ thay thế Tiến Minh: Câu hỏi không lời giải của làng cầu lông Việt tại chuyên mục Thể Thao Tổng Hợp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thể Thao Tổng Hợp khác

Bốc thăm chia bảng giải Bóng rổ VSBL - Cúp MB năm 2024-2025

Tiếp nối thành công của những mùa giải trước, Ban Tổ chức Giải Bóng rổ học sinh THCS – THPT Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng chính thức công bố tên gọi mùa giải mới là Giải Bóng rổ Học sinh THCS và THPT Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (VSBL) Cúp MB năm 2024 – 2025.

Trận thư hùng cuối cùng của 2 huyền thoại

Lần thứ 61 đụng độ nhau có thể là lần cuối cùng giữa 2 tay vợt là biểu tượng cho nghị lực và tài năng. 60 trận đấu giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic đã mang lại nhiều cảm xúc và giờ là điệu nhảy cuối cùng.