Đã từ lâu, hoa sữa được xem như một biểu tượng của mùa thu Hà Nội. Những con phố dài xao xác gió heo may, thoáng chút lá vàng rơi và trong không gian se lạnh, hương hoa sữa lan tỏa khắp xung quanh. Mùi hương nồng nàn như thấm sâu vào tâm trí, sưởi ấm cả trái tim ngày hanh hao… tất cả những điều đó, có lẽ là hình ảnh người ta thường tưởng tượng khi nghĩ về mùa thu Hà Nội.
Trên những con phố ở Thủ đô Hà Nội mọc lên rất nhiều con đường hoa sữa chứ không chỉ là "phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng" nữa. Như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Lò Đúc... Các cây hoa sữa đều khá cao, tán xòe rộng. Dọc các cung đường này lại trồng rất nhiều hoa sữa, theo quan sát của PV, cứ cách vài mét lại có một cây hoa trổ bông và gần như, trước cửa nhà nào cũng vướng phải cây hoặc cành hoa sữa.
Trả lời báo chí, lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam) từng chia sẻ, cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. hoa sữa có nhiều tác hại với sức khỏe.
Tác hại lớn nhất của hoa sữa là gây mùi nồng nặc. Nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra, hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản.
Những con phố càng nhỏ, không gian chật chội mà lại trồng nhiều cây này thì cảm giác rất bí bách, khó chịu vì hương hoa sữa nồng nặc, càng hít nhiều càng thấy mệt. Lương y Trung cũng bày tỏ, nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng.
Tuy nhiên, theo theo Sức khỏe & đời sống, nhựa, vỏ, lá cây hoa sữa là những thành phần được sử dụng làm thuốc, chiết xuất các thành phần hóa học có bản chất là alkaloids, steroids…
Vỏ cây có chứa các alkaloid như ditamine, echitenine và echitamine và được sử dụng như một thuốc có tác dụng kháng khuẩn, điều trị sốt rét như thuốc thay thế cho Quinine.
Nước sắc vỏ cây có tác dụng điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt. Nước sắc lá cây được dùng để trị bệnh beribri (bệnh viêm đa dây thần kinh do thiếu Vitamin B1).
Ấn Độ là nơi sử dụng rộng rãi các chế phẩm của hoa sữa trong điều trị. Nhiều nghiên cứu trên động vật chứng minh dịch chiết của vỏ cây hoa sữa được sử dụng với các tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng sốt rét.
Ngoài ra, nó còn bảo vệ tế bào gan, chống lại sự phát triển của tế bào ung thư, giảm đau, chống loét đường tiêu hóa, chống oxy hóa (antioxidant), điều hòa miễn dịch, chống hen, điều trị viêm phế quản. Bởi lẽ, chúng có tác dụng giãn phế quản, chống dị ứng, làm dịu các tổn thương trên da và giảm các triệu chứng dị ứng trên da. Vì các tác dụng kháng khuẩn nên ở Ấn Độ, hoa sữa còn được sử dụng trong thành phần của thuốc đánh răng.
Theo Đông y, vỏ cây hoa sữa vị đắng, tính lạnh, có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, binh suyễn, chỉ khát, triệt ngược (sốt rét muỗi truyền) phát hãn, kiện vị. Vỏ cây phơi khô tán mịn sắc lấy nước uống, ngày uống 1-3g bột, có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa. Nước sắc đặc vỏ cây có tác dụng chữa đau răng, chống lở loét da, lở loét.
Lá cây sao vàng ngày sắc uống 20g chữa nôn mửa thiếu máu do hóa trị liệu... Có thể nói, tác dụng hữu ích của hoa sữa với sức khỏe rất đa dạng và cần tiếp tục được nghiên cứu để làm rõ thêm.
Minh Anh (tổng hợp)