Bạn mua về một chiếc quần mới, hí hứng khám phá thì phát hiện ra túi quần bị may miệng kín mít hoặc chỉ sâu bằng cái móng tay. Bảo sao không “giận tím người” cho được.
Phải chăng chiếc túi này chỉ có tác dụng trang trí? Thực ra chúng còn tác dụng kỳ diệu hơn thế. Mục đích chính của việc khâu miệng túi là để giữ dáng quần áo khi cất trong kho hoặc khi treo ở cửa hàng. Nếu miệng túi bị mở, có thể khiến dáng áo trở nên xộc xệch, nên việc khâu lại là cần thiết.

Những chiếc túi ở quần áo tồn tại khi nào. Hóa ra, đằng sau nó là cả một câu chuyện dài.
Trong giai đoạn thế kỷ 17 đến trước 19, túi áo, túi quần chưa hề xuất hiện. Thay vào đó là các túi vải có thể tháo rời, được gắn bên dưới những chiếc váy rộng thùng thình. Cùng một chiếc túi ấy, họ có thể gắn vào nhiều chiếc váy khác nhau.
Giai đoạn đầu thế kỷ 19, thời trang bắt đầu có sự biến chuyển mạnh. Váy vóc khi đó mỏng hơn, gọn hơn, ôm dáng hơn, khiến việc nhét thêm một chiếc túi rời bên dưới là không thể. Đó cũng là lúc quần áo được may thêm túi áo, túi quần ra đời.

Nhưng đến giữa thế kỷ 19, thời trang lại một lần nữa biến đổi. Lần này, những chiếc túi vẫn ở đó, nhưng thường được khâu lại.
Theo Sarah C. Byrd - chuyên gia lịch sử về thời trang thuộc Học viện công nghệ thời trang (Mỹ), lý do là vì thời trang lúc này đã bắt đầu thiên về hướng "ôm và tôn dáng người mặc". Và nếu như vậy thì việc để miệng túi mở sẽ khiến dáng bị lệch đi, không còn đúng như ý đồ của nhà thiết kế nữa.
Byrd cho biết, những chiếc túi như vậy giống như một cách "nhắc nhở" người mặc không nên mở nó ra. "Là một nhà thiết kế, bạn sẽ chẳng muốn người ta cứ thọc tay vào túi, khiến đường may xô lệch đi" - Byrd cho biết. "Nếu muốn trở nên thật phong cách với dáng vẻ sang trọng, thì đừng có mở nó ra. Nhưng nếu bạn muốn dùng túi thì cứ việc cắt chỉ là được."