Báo động nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện

Thúy Quỳnh
Theo nghiên cứu mới đây ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tỷ lệ nhiễm khuẩn đã ở mức báo động, để lại hậu quả lớn với người bệnh, nhưng nhiều bệnh viện chưa quan tâm đúng mức.

Chưa quan tâm đúng mức

Hà nội mới đưa tin, từ sự cố y khoa bất thường khiến 4 trẻ sơ sinh cùng tử vong vào sáng 20-11 tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân, có liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Thậm chí, tình trạng nhiễm khuẩn còn ảnh hưởng dây chuyền đến những trẻ sơ sinh được chuyển từ bệnh viện này lên tuyến trên. Điều đó cho thấy tác hại do nhiễm khuẩn bệnh viện là rất lớn và không thể xem nhẹ.

Sau sự việc, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh tạm dừng hoạt động của đơn nguyên sơ sinh để tiến hành tổng kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn, công tác khử khuẩn. Hiện nay, tất cả các bệnh nhi cũ và mới tại đơn nguyên này đều được chuyển lên các cơ sở y tế tuyến trên. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các cơ sở y tế có giường bệnh khác trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Động thái nói trên của ngành Y tế Bắc Ninh cũng như những gì đã thấy qua vụ dịch sởi năm 2014 từng cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ mà một phần nguyên nhân liên quan tới nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ cho thấy tác hại khôn lường của tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, mà còn chỉ ra sự thiếu chủ động của một số cơ sở y tế trong việc thực hiện các giải pháp chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng tránh lây nhiễm.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) từng công bố kết quả nghiên cứu được thực hiện với gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện lên tới 5,8%. Một nghiên cứu khác do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thực hiện với gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng đưa ra đánh giá, tại nhiều bệnh viện, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đầu tư máy móc hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, coi nhẹ công tác kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn dù biết rõ đó là khâu quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn mới tập trung vào khâu giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải chứ chưa chú trọng đến việc giám sát thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện... Thế nên mới có tình trạng khi người bệnh đến viện thì bệnh nhẹ, được điều trị rồi thì bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong do khâu kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế không được thực hiện tốt.

Kiểm soát, loại trừ nguồn lây nhiễm

Đề cập đến mục tiêu và giải pháp chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, mục tiêu đầu tiên là phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm lượng vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh. Tiếp đến, trong quá trình nhân viên y tế làm thủ thuật cho bệnh nhân, cần phải bảo đảm rằng hoạt động đó diễn ra trong môi trường vô khuẩn.

Ngoài ra, cần phải kiểm soát tốt nguồn lây, lưu ý rằng người nhà bệnh nhân cũng là một đối tượng lưu giữ vi khuẩn trong quá trình chăm sóc người bệnh, từ đó đề ra giải pháp nhằm hạn chế sự lây nhiễm thông qua những người này. “Việc kiểm soát nhiễm khuẩn liên quan tới ý thức cá nhân. Chỉ cần một người không tuân thủ tốt yêu cầu giữ gìn vệ sinh, phòng chống nhiễm khuẩn là người bệnh phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nói.

Còn theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), do các bệnh viện ở nước ta chưa đủ khả năng thực hiện chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện nên bệnh nhân điều trị tại khu vực hồi sức tích cực vẫn cần có người thân chăm sóc và dễ nhiễm khuẩn hơn. Do đó, cần tuyên truyền để người nhà bệnh nhân nâng cao ý thức phòng tránh lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, nhất là trước và sau khi chăm sóc người bệnh... Nhân viên y tế cũng cần vệ sinh tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng như vật dụng xung quanh bệnh nhân.

Những ai có nguy cơ nhiễm khuẩn ở bệnh viện?

VOV thông tin, BS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một vấn đề nan giải, là thách thức của ngành y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tình trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay, đặc biệt những đơn vị hồi sức tích cực, đơn vị có phẫu thuật, theo khảo sát chung của quốc gia là khoảng 8%,. Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%.

Nhiễm khuẩn bệnh viện từ đâu mà có?

Theo BS Hùng, trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, các nhân viên y tế làm trong các khoa sơ sinh nói chung và hồi sức sơ sinh nói riêng rất bị áp lực. Hơn nữa, các bác sĩ phải làm nhiều thủ thuật với trẻ để cứu chữa nên nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào càng cao, trẻ dễ bị nhiễm trùng huyết, đa phủ tạng, suy đa phủ tạng và tử vong.

BS Nguyễn Việt Hùng nói: “Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế đã tốt nhưng vẫn cần sự hợp tác từ phía người nhà vì chỉ cần một sơ suất nhỏ như không rửa tay thì lồng ấp, giường bệnh bị nhiễm khuẩn. Để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, việc đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh.

BS Hùng nêu rõ, vi khuẩn trước khi vào cơ thể gây nhiễm khuẩn sẽ nằm ngay chính trên cơ thể các trẻ chứ không phải trong không khí hay luồng gió. Vì vậy, việc phòng ngừa phải được thực hiện từ trước khi bước vào buồng bệnh chứ không phải khi làm thủ thuật mới vô khuẩn.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Báo động nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác