Bạo hành trẻ em có nguyên nhân từ vấn đề tâm lý?

Thúy Quỳnh
Trước nhiều vụ bạo hành trẻ trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia tâm lý một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị bạo hành chính do nhận thức và tâm lý của người dạy.

Có vấn đề tâm lý

Nhìn nhận ở một góc độ khác trong các vụ bạo hành trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng khi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến bạo hành, bà thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chưa được nhiều người đề cập là những người chăm sóc trẻ có bị vấn đề về tâm lý hay không. Ở nước ngoài cũng có các vụ bạo hành trẻ như vậy. Khi các nhà tâm lý vào cuộc tìm hiểu thì gần như tất cả những người bạo hành đều gặp vấn đề về tâm lý.

Theo tiến sĩ Dao, các vụ bạo hành trong trường mầm non vừa qua thường xảy ra ở các cơ sở ngoài công lập. Ở đó, người trực tiếp bạo hành thường không có trình độ chuyên môn. Vì người có chuyên môn, được đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo dục mầm non thì tỷ lệ bạo hành sẽ ít hơn.

Chẳng hạn, khi thấy các vụ bạo hành xảy ra liên tục ở cơ sở mầm non, Trường ĐH Sài Gòn đã lồng ghép các môn học có nội dung, kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ mầm non vào dạy như “Nghề giáo viên mầm non”, “Giao tiếp sư phạm mầm non”... để sinh viên nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau, hậu quả của bạo hành đối với trẻ, đối với bản thân, đối với xã hội... Từ đó, sinh viên có thái độ lên án nạn bạo hành và góp phần kiểm soát hành vi bản thân.

“Tuy nhiên, một thực tế đang xảy ra là có một số trường hợp giáo viên mầm non bị bệnh về tâm lý. Đây là điều dễ hiểu vì dạy mầm non là nghề có áp lực công việc cao (làm 10 - 12 tiếng/ngày), áp lực vì tiền lương thấp, áp lực từ chồng con… dẫn đến giáo viên dễ bị stress. Lâu ngày, giáo viên có thể bị trầm cảm, cũng có thể xảy ra tình trạng thích hành hạ người khác. Đơn vị quản lý cần quan tâm sức khỏe tinh thần của giáo viên bằng cách giảm áp lực cho họ. Đây là nguyên nhân rất quan trọng mà rất ít người chú ý đến”, tiến sĩ Dao cho biết.

Cần trang bị thêm kỹ năng

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trưởng bộ môn Công tác xã hội Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cho rằng bậc mầm non là bậc học khó khăn hơn các bậc học khác. Vì ở độ tuổi này, các bé mới chỉ đang gia nhập vào môi trường xã hội nên việc tự ý thức chưa cao. Làm giáo viên ở bậc học này rất khó - không chỉ cần kiến thức, kỹ năng dạy học, mà lòng yêu trẻ con còn quan trọng hơn vô vàn. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, cần cho người học đi thực hành - thực tập chuyên môn nhiều hơn. Xây dựng chương trình đào tạo có nhiều môn nghiêng về đạo đức, giá trị nghề nghiệp và phải cho người học trải nghiệm những giá trị ấy.

Mặt khác, tuyển sinh đầu vào cần nhấn mạnh hơn đến tình yêu thương trẻ con, sự hiểu về nghề trước khi các em quyết định học và theo nghề giáo viên mầm non. Nhà trường đào tạo ngành mầm non hay các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non nên thiết kế chương trình đào tạo kỹ năng phù hợp với đặc trưng nghề nghiệp như: kỹ năng thuyết phục trẻ, kỹ năng đánh giá trẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc… Có thể chia bộ kỹ năng ra thành nhiều cấp độ để đào tạo ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi đã trở thành giáo viên mầm non…

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho rằng những vụ bạo hành trẻ học mầm non chủ yếu diễn ra ở các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Những người làm ở đây có thể chưa qua đào tạo, không có lòng yêu trẻ... Vì vậy, dễ dẫn đến những hành vi đáng tiếc.

“Cần phải siết chặt quy định, bắt buộc người làm tại các nhóm trẻ, nhà trẻ phải được qua đào tạo chuyên môn. Nếu chỉ tham gia các khóa đào tạo tâm lý 3 tháng, 6 tháng thì cũng không thay đổi được gì”, bác sĩ Hiển cho biết.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc Nữ, khi tiếp xúc với các bảo mẫu đánh trẻ, có những trường hợp bà hỏi, đứa bé làm gì sai mà cô đánh. Có cô trả lời: “Nó khóc nên tôi đánh”, không thể nào hiểu nổi và cho rằng chúng ta phải xem đầu óc, tâm lý của bảo mẫu, giáo viên mầm non này có vấn đề hay không. Vì đó là nguy cơ trẻ đang được nuôi dưỡng với những người “đầu óc có vấn đề” mà không hay biết.

TS Quỳnh Dao cũng chia sẻ, hậu quả khủng khiếp có thể để lại ở trẻ bị bạo hành. Về mặt thể xác, có thể gây những thương tật nghiêm trọng, còn xét về góc độ tâm lí, ngay bây giờ có thể chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được, hậu quả để lại đến khi trẻ trưởng thành.

Trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ rơi vào stress, ám ảnh, về sức khỏe dễ gặp những bệnh về tâm lý thần kinh…

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bạo hành trẻ em có nguyên nhân từ vấn đề tâm lý? tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Cún bông gỡ rối

Bạn Đầu Đinh hỏi: "Cún Bông ơi, lớp tớ có mấy bạn gái có tính cách giống các bạn nam. Các bạn cũng thích đá cầu, thích chạy nhảy và có thể “chiến đấu” ngang sức với các bạn nam trong mọi cuộc đua, thế các bạn nữ như vậy có còn là “phái yếu” nữa không?"

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Sự thông minh và lòng nhân ái

Buổi học cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết tại lớp học của thầy Rùa Vàng đã tới rồi. Muốn các trò ghi nhớ bài học quan trọng nhất, thầy cất tiếng: