Bên cạnh việc vệ sinh thật tốt, thường xuyên rửa tay chân và đồ chơi của trẻ, pama nên chú ý tới chế độ ăn uống và những lưu ý kiêng khem để bệnh không trở nên nghiêm trọng, sẽ khỏi sau một tuần đến 10 ngày.
1. Tránh thức ăn cứng và quá nóng
Thức ăn cứng sẽ làm trẻ đau rát miệng, thức ăn nóng làm trẻ đau không nuốt được.
Pama nhớ không nên cố gắp ép trẻ ăn (vì lúc này trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu). Khi các bạn ấy từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một ly sữa chua hoặc một ly nước trái cây.
Lưu ý:
- Tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc.
- Không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.
2. Tránh "3 kiêng"
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà tuyệt đối tránh 3 quan niệm sai lầm thường gặp sau đây: kiêng tắm, kiêng gió - ủ trẻ quá kỹ - châm chích cho mụn nước mau vỡ ra, đây chính là những nguyên nhân làm cho bệnh của trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Rất nhiều bậc phụ huynh thường kiêng cho trẻ tắm khi trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, đây là một điều sai lầm bởi như vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm.
Vì thế, đừng tránh việc tắm cho trẻ, thay vào đó, hãy vệ sinh sạch sẽ cho trẻ ở những nơi kín gió và sử dụng xà phòng sát khuẩn.
Bệnh tay chân miệng rất thường gặp vào mùa hè.
3. Tuyệt đối không dùng chung đồ chơi, đồ ăn
Điều cuối cùng cần tránh khi trẻ bị bệnh tay chân miệng là không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su.
Những thứ đồ chơi và muỗng, chén của bé phải rửa sạch mỗi ngày và không nên cho trẻ chơi chung, ăn chung với những trẻ khác, tránh việc lây lan bệnh sang những đứa trẻ khác.
Dương Bích Thúy