Bố mẹ dạy con tránh xa "yêu râu xanh"

Phan Thoa
Lạm dụng tình dục có thể xảy ra với con trẻ ở bất cứ nền văn hóa, xã hội, chủng tộc, tôn giáo nào. Bố mẹ cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình khỏi nạn xâm hại tình dục.
Theo báo cáo của tòa án các cấp cho thấy khoảng 80% số vụ xâm hại tình dục đã xét xử từ năm 2008 - 2013 có nạn nhân là trẻ em. Đó là chưa kể, theo điều tra của Tổ chức nhân đạo Quốc tế, có đến 78% số trẻ em Hà Nội khai nhận đã từng bị xâm hại giới (sàm sỡ, xâm hại hoặc có hành vi dụ dỗ trẻ dâm ô).

Theo số liệu do Bộ LĐ-TB&XH công bố, trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó.

Những số liệu thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy: Trung bình mỗi năm ở nước ta có tới 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Một con số khiến dư luật giật mình là có tới 70% nạn nhân bị lạm dụng bởi chính những người thân quen. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của bố mẹ và các cháu đã mất cảnh giác với “các yêu râu xanh”.

Tiến sĩ Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM), cho rằng với những câu chuyện đau lòng đã và đang xuất hiện, có thể thấy trẻ có thể bị lạm dụng, xâm hại tình dục ở bất kỳ nơi nào, thậm chí là ở những nơi tưởng chừng là an toàn nhất như trường học hay chính ngôi nhà của mình. “Vậy nên mối lo của phụ huynh là điều dễ hiểu”, bà Thúy nói.
 
Theo bà Thúy, việc giúp con đủ khả năng tự phòng vệ bảo vệ bản thân, dạy con từ lúc bé là điều cần thiết, và càng sớm càng tốt. “Hãy dạy rằng cơ thể của trẻ là của trẻ, là riêng tư, không ai có quyền đụng vào. Nếu bất kỳ ai có biểu hiện hoặc hành động làm khó chịu thì dạy trẻ biết cách nói không. Cũng nên dạy trẻ nhận biết những cử chỉ không an toàn như nhìn chằm chằm, để trẻ nói không, hét lên và tránh xa, sau đó nói lại với bố mẹ biết”.
 
 
Bác sĩ nhi khoa, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải thì chia sẻ về “quy tắc bàn tay”, mà khi dạy cho trẻ cũng có thể giúp trẻ thoát khỏi nạn xâm hại tình dục. Đó là xem bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Ngón đầu tiên là “ôm hôn” dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Ngón hai là “nắm tay” với bạn bè, thầy cô, họ hàng. Ngón ba là “bắt tay” khi gặp người quen. Ngón thứ tư là “vẫy tay” nếu đó là người lạ. Và ngón thứ năm là “xua tay”, không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
 
1. Đưa ra những dấu hiệu nổi bật của hành vi dâm ô: Không có sự khác nhau nhiều về dấu hiệu xâm hại tình dục cho bé trai cũng như bé gái. Các bé đều có thể bị lạm dụng, quấy rối như nhau; chỉ khác nhau về biểu hiện tiếp cận các bé của người xấu.

Cha mẹ có thể đưa bé vào những tình huống như có người tự nhiên cho trẻ quà bánh, đồ chơi, được chăm sóc đặc biệt mà không cần lý do hoặc nói những lời ngon ngọt, dụ dỗ. Sau đó rủ rê, gạ gẫm bé đi chơi xa hay vào chỗ tối tăm, vắng vẻ rồi sờ soạng các bộ phận nhạy cảm, vùng kín trên cơ thể, rồi có thể tiến xa hơn là làm nhục và gây tổn thương bé…

2. Cho trẻ trải nghiệm tình huống giống như thật: Hãy lồng vào những câu chuyện thực tế để bé nhận thấy được đâu là hành vi xâm hại hoặc làm nhục từ người khác, phải cố gắng bình tĩnh biết tìm cách làm đối tượng mất tập trung như kêu la ầm ĩ, cắn vào tay, rên khóc (như bị đau quá), chạy ra ngoài nhờ mọi người giúp đỡ.

Phụ huynh cần trang bị cho con khả năng tự bảo vệ trước những hành vi trên. Trong hoàn cảnh bình thường, trẻ có thể “thực hành” rất chính xác cho phụ huynh, nhưng khi nguy hiểm xảy ra bé có thể hoảng loạn, rất có thể trẻ không biết xử trí như thế nào, nên nếu có dịp cha mẹ phải cùng con củng cố thường xuyên.

3. Để trẻ thục luyện nhiều lần: Phải thực hiện nhiều lần với những hoàn cảnh, tình huống khác nhau giúp chúng thấu hiểu và nhớ lâu. Cha mẹ phải cùng con thực hành nhiều lần chứ không nên chỉ dừng lại việc dạy trẻ bằng lý thuyết suông, hay những câu chuyện cứng nhắc, máy móc. Dạy con không có phương pháp nào là vạn năng, cha mẹ hãy khéo léo kết hợp nhiều hình thức như xem video clip về những cảnh tương tự để bé trải nghiệm cảm xúc thật sự nếu mình rơi vào tình huống đó.

4. Dạy con nói “không” với việc nhận quà bánh hay tự ý đi chơi theo người khác: Dạy trẻ phép từ chối lịch sự là kỹ năng biết tự chủ và tiết chế nhu cầu bản thân trước những cám dỗ từ những món quà bắt mắt, hấp dẫn.

Khi chưa có sự cho phép của cha mẹ, con không được nhận bất kỳ thứ gì của ai, đi đến nơi xa lạ có nguy cơ hại cho bản thân dù có thích thú đến mức nào.

Khi người khác dụ dỗ, rủ rê, cho cái này cái kia, đưa đi chỗ này chỗ nọ, cha mẹ cần dạy trẻ biết tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết.

5. Rèn cho trẻ kỹ năng cơ bản để nhanh chóng phát hiện dấu hiệu khả nghi: Hãy lưu ý với trẻ trong quá trình giao tiếp, cần phát huy kỹ năng quan sát những biểu hiện bề ngoài như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người đối diện để nhận biết có sự nguy hiểm nào rình rập; giữ khoảng cách an toàn hoặc đứng ở nơi đông người để có thể kêu gọi sự giúp đỡ nếu có biểu hiện của sự tấn công, xâm hại. Trong quá trình sinh hoạt hay học tập, các em nên đi theo nhóm để bảo vệ, giúp đỡ nhau khi gặp tình huống bị người khác dở trò đồi bại.  

 

Thêm vào đó, người lớn phải có thái độ chân thành để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, không e ngại, cũng không được lãng tránh kiểu “Con mình còn bé không biết có quan tâm đến vấn đề này không? Nói ra chắc gì con đã hiểu”.  Đây chính là cách “vẽ đường cho hươu chạy” đúng để tránh hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.

Cha mẹ phải luôn có nhận thức đúng đắn, thái độ tích cực và cách hành xử tôn trọng, bình tĩnh tiếp nhận mọi tình huống xảy ra. Sẵn sàng giải quyết bất kỳ vấn đề nào của trẻ là yêu cầu cần thiết cần có trong giáo dục hiểu về giới tính, sức khỏe sinh sản nói chung và trong dạy trẻ cách ứng phó với hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.     

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bố mẹ dạy con tránh xa "yêu râu xanh" tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.