BTS cùng bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc bất ngờ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn lớp 12

Minh Hồng
Bài phát biểu truyền cảm hứng của BTS tại kỳ họp thứ 76 Đại Hội đồng LHQ bất ngờ xuất hiện trong đề thi giữa học kỳ II môn Ngữ văn khiến dân tình thích thú.

Ngữ văn từ trước tới nay vẫn được coi là môn học “khó nhằn” với không ít bạn học sinh vì có nhiều nội dung cần nhớ cũng như kiến thức đôi khi khá trừu tượng. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm này đã thay đổi khá nhiều khi thầy cô giáo liên tục đổi mới, đưa các chi tiết thực tế ngoài đời sống vào môn học, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Không ít lần, đề thi Ngữ văn gây sốt mạng xã hội vì nội dung “bắt trend”, lấy cảm hứng từ những nhân vật, ngôi sao hay sự kiện nổi tiếng ngoài đời sống để đánh giá lối tư duy, nhìn nhận về cuộc sống của học sinh. 

Gần đây nhất, bài phát biểu của nhóm nhạc nổi tiếng BTS bất ngờ xuất hiện trong đề thi giữa học kỳ II, môn Ngữ văn lớp 12 của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội khiến dân tình vô cùng thích thú.

Cụ thể, bài phát biểu nằm trong phần đọc hiểu của đề thi chiếm 30% điểm số có nội dung:

Đôi khi thế giới dường như dừng lại ngay cả khi chúng ta đã sẵn sàng bước đi. Đôi khi có cảm giác như chúng ta đã lạc đường. Đã có lúc chúng tôi cảm thấy như vậy.

Chúng tôi nghe rằng những người ở độ tuổi thiếu niên và độ tuổi đôi mươi ngày nay được gọi là "Thế hệ mất mát vì COVID-19", hàm ý rằng vào thời điểm họ cần nhiều cơ hội và thách thức nhất, họ lại đánh mất lối đi. Nhưng chúng tôi cho rằng người lớn không nhìn thấy con đường của họ không có nghĩa là họ lạc đường.

...Trong không gian trực tuyến, họ tiếp tục gặp gỡ bạn bè theo cách mới, bắt đầu học những điều mới và cố gắng sống lành mạnh hơn. Nhưng họ trông không giống như đang lạc lối, thay vào đó họ đã tìm thấy lòng can đảm mới và đang đương đầu với những thử thách mới.

Chính vì vậy chúng tôi nghĩ rằng thay vì gọi họ là "Thế hệ mất mát" (Lost Generation), cái tên "Thế hệ đón chào" (Welcome Generation) sẽ thích hợp hơn. Bởi lẽ lo sợ sự thay đổi, thế hệ này lại nói Welcome (Lời chào đón) khi họ tiến bước đến tương lai.

Vâng đúng là như vậy. Nếu chúng ta tin tưởng vào các khả năng và hi vọng thì ngay cả khi xảy ra những tình huống nằm ngoài dự đoán, chúng ta vẫn sẽ không lạc lối mà sẵn sàng khám phá một hướng đi mới.

Chúng ta không phải lúc nào cũng đưa ra được những lựa chọn hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì được. Đó chính là điều mà chúng tôi suy nghĩ.

(Trích bài phát biểu của nhóm BTS "Đừng nhìn nhận là Thế hệ mất mát, hãy gọi đây là thế hệ đón chào" tại kỳ họp thứ 76 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, 20/9/2019. Nguồn: Snowie, 21/9/2021).

BTS cùng bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc bất ngờ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn lớp 12 - Ảnh 1
BTS cùng bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc bất ngờ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn lớp 12

Đề bài đưa ra 4 yêu cầu với học sinh, đó là: Xác định phương thức biểu đạt chính; Theo tác giả, cách gọi những người ở độ tuổi thiếu niên và độ tuổi đôi mươi ngày nay là "Thế hệ mất mát vì COVID-19" chứa hàm ý gì?; Vì sao nhóm BTS lại muốn thay đổi cách gọi "Thế hệ mất mát" thành "Thế hệ đón chào"?; Và chia sẻ điều học sinh học hỏi được từ thời gian "đương đầu" với Đại dịch COVID-19 trong khoảng 7 dòng.

Được biết, vào ngày 20/9/2021, nhóm nhạc đình đám BTS vinh dự được tham gia Hội nghị "SDG Moment" - hiện thực hoá các Mục tiêu Phát triển bền vững mà LHQ đề ra đến năm 2030. Là đặc phái viên Tổng thống về Văn hóa và Thế hệ tương lai của Hàn Quốc, BTS đã có màn biểu diễn ca khúc "Permission to dance" và bài phát biểu truyền cảm hứng về "Đừng nhìn nhận là Thế hệ mất mát, hãy gọi đây là thế hệ đón chào". 

BTS cùng bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc bất ngờ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn lớp 12 - Ảnh 1
BTS phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc

Bài phát biểu của BTS nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người hâm mộ, nhất là trong bối cảnh thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Đây vừa là lời động viên, vừa là nguồn động lực cho thế hệ trẻ. 

Nhìn vào đề thi, có thể thấy đây là một dạng đề mở, vừa để kiểm tra kiến thức đã học, vừa khai thác khả năng tư duy, nhìn nhận thời cuộc của học sinh. Bên cạnh đó, từ đề bài học sinh cần liên hệ với thực tế cuộc sống và đưa ra những nhận định chính xác và khách quan nhất.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

Bài Học đường khác

Trường Tiểu học Đại Kim vững vàng tiến bước

Trường Tiểu học Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có bề dày lịch sử 68 năm xây dựng và trưởng thành. Từ ngôi trường đơn sơ với 4 phòng học lợp ngói lúc bắt đầu xây dựng, đến năm 2019, trường được UBND quận Hoàng Mai đầu tư xây dựng mới khang trang, bề thế với 30 phòng học đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm bảo nhu cầu dạy học của thầy và trò.

Học sinh Trưng Vương tiến bước lên Đoàn

Ngày 25/3/2024 tại trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), Thành đoàn - Hội đồng Đội Thành phố tổ chức mô hình điểm cấp Thành phố Ngày hội “Tiến bước lên Đoàn”.