Nỗi lo về một đợt phong tỏa mới đang hiện ra trước mắt khi nước Anh ghi nhận 41.000 ca dương tính riêng trong ngày 6/9. Đến lúc này, họ vẫn đang thực sự rất lo lắng trước Covid-19. Không chỉ có Anh mà nhiều quốc gia khác của châu Âu có lẽ đang rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Thế nhưng, một đất nước cách Anh chỉ vài trăm dặm, Covid-19 chính thức được công nhận là đã được giải quyết trọn vẹn và những ngày phong tỏa các thành phố sẽ lui dần vào dĩ vãng..
Đất nước ấy chính là Đan Mạch. Ngày 10/9, nước này chính thức dỡ bỏ những lệnh hạn chế cuối cùng. Chính phủ cũng đưa ra tuyên bố "virus không còn là mối đe dọa của xã hội" sau khi tiêm thành công vaccine cho 72% dân số (ở Anh mới chỉ có 62%). "Đại dịch đã được kiểm soát", Bộ trưởng Bộ Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke tuyên bố cách đây 1 tuần.
Thực tế, khi đại dịch bắt đầu xảy ra thì Đan Mạch là quốc gia đầu tiên tại Bắc Âu ban hành các lệnh phong tỏa. Giờ đây, họ cũng trở thành nước đầu tiên của khu vực này tiến hành dỡ bỏ chúng. Trước viễn cảnh này, Đan Mạch dạy cho cả thế giới những bài học về cách để trở lại cuộc sống bình thường. Khi bạn không thể đưa số ca nhiễm về con số 0, hãy tìm cách sống chung với nó.
Quá trình này đã được nhen nhóm từ cách đây vài tháng, chính phủ Đan Mạch lúc đó nêu rõ quan điểm rằng với việc 95% nhóm rủi ro cao gồm y bác sĩ, công dân trên 60 tuổi, nhân viên viện dưỡng lão... đã được tiêm chủng. Đất nước có đủ khả năng chống cự làn sóng lây nhiễm lớn.
Trong buổi cập nhật thông tin vào cuối tháng 8/2021, Thủ tướng Mette Frederiksen khẳng định rằng: "vaccine là siêu vũ khí để đánh bại dịch bệnh. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Và chúng tôi rõ ràng sẽ cố gắng tránh một đợt phong tỏa lớn trong tương lai".
Và cuối tháng 9, Đan Mạch thông báo kế hoạch rút gọn quy mô cơ sở xét nghiệm, tiến hành đóng cửa gần như toàn bộ trạm test nhanh. Quy tắc giãn cách tối thiểu 1m cũng bị hủy bỏ, đồng nghĩa với việc không cần phải để ghế trống giữa khách hàng tại địa điểm công cộng.
Học sinh tại các trường học và nhà trẻ từ ngày 6/9 không bị trả về nhà trong trường hợp có người nhiễm bệnh trong lớp học. Và trong tháng 9 này, các nhà hàng, quán ăn không còn cần yêu cầu khách hàng trình thẻ vaccine nữa. Quy định đóng cửa 2h sáng cũng được dỡ bỏ, cho phép các sự kiện âm nhạc tổ chức tối đa công suất.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Đan Mạch chủ quan trong việc ứng phó với dịch bệnh. Ông Heunicke nhận định tình hình vẫn không thể chủ quan vì vẫn còn rủi ro dành cho những người chưa tiêm. Chỉ có 43,5% trẻ em từ 15 - 18 tuổi tại Đan Mạch được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nhóm trên 20 tuổi đang có dấu hiệu chậm lại ở tốc độ tiêm chủng.
Trước những thay đổi này, không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ. Đan Mạch vốn là đất nước có niềm tin rất vững chắc từ người dân với chuyên gia chính phủ. Tuy nhiên, với tỷ lệ không nhỏ người nước ngoài sinh sống ở đây, việc dịch chuyển từ tâm thế thận trọng, kịp thời sang tiếp cận thoải mái sau khi tiêm vaccine thực sự đáng báo động.
Jonathan Bauer, giáo viên người Mỹ tại trường cấp hai Jutland (Đan Mạch) cho biết: "Nhìn vào tỉ lệ nhập viện trên thế giới quả thực là đáng lo ngại. Đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng chuyến tàu sáng nay tôi đi đã chật ních người. Nó khiến tôi cảm thấy không thoải mái chút nào". Và ít nhất trong 2 tiết học, giáo viên này đã để cửa lớp mở toang khi dạy các bạn nhỏ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine.
Chung nhận định với Bauer, một người phụ nữ quốc tịch Mỹ sống tại Copenhagen cho rằng thế hệ tương lai đang gặp rủi ro. "Sẽ khá là phi đạo đức nếu bảo rằng cứ để bọn trẻ mắc Covid và tự xây dựng hệ miễn dịch, trong khi có rủi ro chúng sẽ bị tổn hại nhận thức suốt đời", người này chia sẻ.
Và không phải người Đan Mạch nào cũng cảm thấy chiến lược đất nước đang theo đuổi tới đây là đúng đắn. Theo ông Andreasen, những lo ngại của một số người dân cùng 2 người Mỹ kia có phần hợp lý. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, cả thế giới đều hồi hộp chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra với Đan Mạch trong thời gian tới.