Bất chấp dòng chảy của thời gian lẫn sự phát triển của nền văn minh khoa học, Tết Đoan Ngọ vẫn còn là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt. Những cơn nắng chói chang của mùa hè có thể khiến người ta mệt lử nhưng các gia đình vẫn không quên sắm sửa, bày biện những lễ vật, những thức quà của mùa hè để đón Tết Đoan Ngọ.
Không chỉ có những hoạt động thú vị, phẩm vật dâng lên ngày Tết Đoan Ngọ cũng đầy màu sắc đặc trưng của sản vật địa phương. Hãy cùng dạo một vòng xem Tết Đoan Ngọ có những món ăn đặc sắc nào nhé.
Người Việt ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có nói đến những món ăn người miền Bắc thường hay ăn vào Tết Đoan Ngọ như "hôm đó, người ta biếu nhau chủ yếu là ngỗng, vịt, dưa hấu, đường và đỗ xanh". Có thể thấy, đây là những thực phẩm có tính mát, giải nhiệt trong mùa hè rất tốt. Tuy nhiên, dân ta còn có nhiều món ngon hơn thế vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Vải thiều và mận là hai loại quả quen thuộc và được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ
Mâm lễ dâng cúng gia tiên: Hoa quả (vải thiều, mận, xoài...), rượu nếp (nếp cái, nếp cẩm)
Những món cơ bản được thưởng thức trong ngày Đoan Ngọ thường là các vật phẩm dâng lên tổ tiên sau đó thực hiện nghi thức diệt sâu bọ. Hoa quả tươi là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là những quả đang rộ mùa, vừa ngon lại rẻ như vải thiều, mận, xoài... Những thức quả này có vị chua ngọt dịu dàng, rất thích hợp ăn để "diệt sâu bọ" trong ngày lễ.
Cũng trong mâm lễ dâng gia tiên này còn có rượu nếp - thứ sản vật đặc trưng của dân ta mỗi mùa Đoan Ngọ về. Nếp chín mùa, ủ với men rượu ngấu lên được ăn vào sáng ngày Đoan Ngọ, vị ngọt mát, cay cay của nếp cái, nếp cẩm lên men giúp làm dịu đi cái nắng hè gay gắt.
Ngày mùng 5 tháng 5, không ăn rượu nếp thì chưa gọi là đón Tết Đoan Ngọ
Chỉ cần một bát nhỏ, đặt kèm trong mâm lễ, tươm tất và ngon mắt biết bao. Điểm xuyết vào đó là vài chiếc bánh cốm hoặc bánh xu xê màu sắc rực rỡ.
Bánh gio, bánh ú
Một đặc trưng thường thấy trong Tết Đoan Ngọ đó là bánh gio mật mía. Thời nay, không phải cứ đến Tết Nguyên Đán mới thấy bánh chưng, cũng chẳng phải Tết Đoan Ngọ về mới có bánh gio, nhưng đến lễ diệt sâu bọ, bánh gio dường như có ý vị và tầm quan trọng hơn hẳn.
Bánh gio (bánh tro) thường được chấm cùng mật mía
Bánh gio "công nghiệp" bây giờ làm nhanh lắm, việc ủ trong cũng có phần "cẩu thả" hơn nên vị bánh không được đậm đà, thơm thảo như xưa. Trong Vân Đài loại ngữ, bản do Phạm Vũ, Lê Hiền dịch và chú giải, xuất bản năm 1973, Lê Quý Đôn có nhắc đến quá trình làm bánh tro của dân ta: "Tục nước nhà, lấy cây vừng, cây sở và cây ba đậu tiêu, đốt ra tro; bỏ tro ấy vào vại, ngâm độ vài tháng, rồi lấy giấy lọc lấy nước trong, ngâm gạo một đêm, làm bánh gói bằng lá dong, tước lạt cho nhỏ, cuốn chặt, đem nấu; vị thơm mát. Nếu lúc nấu lại cho ít vỏ măng vào, thì sắc bánh hồng hồng, trong sạch, rất thích (tức là bánh tro)".
Tuy vậy, cũng lắm nhà chuẩn bị tro ủ chu đáo để tạo nên chất lượng chiếc bánh gio ngon còn "giữ chân khách". Ấy vậy mà vào ngày Tết Đoan Ngọ, không ít thì nhiều, ai cũng sẽ muốn nêm một miếng bánh gio trong vắt, gạo mềm, dẻo và quện, chấm với mật mía hoặc mạch nha, ăn ngọt vừa lại mát.
Bánh bá trạng được làm từ nhiều nguyên liệu như lòng đỏ trứng muối, đậu phộng, hạt dẻ, thịt ba chỉ...
Ngoài bánh gio (bánh tro), một loại bánh khác cũng được dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ là bánh ú nếp. Bánh ú không phổ biến ngoài miền Bắc, thứ bánh đầy đặn này thường được người miền Trung, miền Nam ăn nhiều hơn, đặc biệt là người Hoa tại TP HCM. Nói cách khác, đây là món bánh đặc trưng của người Trung Quốc, còn được gọi là bánh bá trạng.
Thịt vịt
Thịt vịt cũng là một trong những món ăn được ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không chỉ mang ý nghĩa may mắn, thịt vịt còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng cân bằng âm dương, giúp thanh nhiệt, bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Khác với nhiều quan điểm kiêng ăn thịt vịt đầu tháng, nhiều người ưa chuộng thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Vịt được chế biến thành nhiều món ngon, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là vịt nướng, vịt quay, vịt tiềm, cháo vịt hoặc vịt om sấu.
Chè kê
Ngày Tết Đoan Ngọ với người Huế chẳng thể nào thiếu được bát chè kê. Kê nấu chè, dẻo thơm, ngọt thanh giúp kéo cái nóng bức mùa hạ xuống, rất thanh đạm và dễ ăn. Kê thu hoạch từ tháng 4 âm lịch, tròn mẩy, vàng óng được xay tróc vỏ nhưng vẫn còn lớp cám mỏng bên ngoài. Tiếp đó, hạt kê được ngâm nước lạnh đến khi mềm thì mang đi nấu.
Chè kê người Huế thường dùng bánh tráng để "xúc".
Chè kê được nấu với nước đường pha gừng, cách ăn cũng độc lạ không dùng thìa mà dùng bánh tráng vừng. Muốn món chè kê thanh mát hơn, cho thêm đậu xanh tách vỏ vào nấu cùng. Kê dẻo quánh, thơm ngan ngát mùi gừng kết hợp với bánh tráng giòn tan, ăn rất thích.
Ngoài nấu chè, kê mang nấu cháo ăn cũng rất thanh đạm.
Món chè bình dị này cũng được biến tấu như nấu cháo, thêm cùng đậu phộng vào ăn cũng rất lạ miệng. Chè kê dân dã, là món quà bình dị trong ngày Tết Đoan Ngọ nhưng lại chứa nhiều dưỡng chất, có tác dụng bồi bổ khí huyết, ăn trong ngày này rất hợp.
Người Trung Quốc ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Bánh bá trạng
Ở ta có bánh ú nếp và phần nhân bánh cũng được làm đơn giản hơn, có thịt ba chỉ và đậu xanh cơ bản. Còn người Trung Quốc có món bánh bá trạng cổ truyền, thường được ăn vào dịp Tết Đoan Ngọ, ngày mà diễn ra Lễ hội Thuyền Rồng.
Bánh bá trạng (zongzi) là bánh truyền thống trong Lễ hội Thuyền Rồng ở Trung Quốc.
Bánh bá trạng, còn gọi là bánh tam giác, được ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc. Chúng được làm từ gạo nếp với phần nhân rất phong phú. Bánh ngọt có phần nhân thường là đậu xanh tách vỏ, bột đậu đỏ, hạt sen, hạt dẻ, táo đỏ, bạch quả, lạc... Bánh mặn thường có phần nhân là thịt ba chỉ, lạp xưởng, lòng đỏ trứng vịt muối, trứng luộc, sò điệp khô, nấm hương...
Nhân bánh bá trạng rất đa dạng
Người dân thường dùng lá tre, lá chít để gói bánh, nhưng người ta vẫn chuộng lá dong vì loại lá này không làm thay đổi mùi vị của bánh sau khi nấu. Cũng có nơi dùng lá chuối để gói bánh. Bánh tam giác này được dùng sợi dây ngũ sắc quấn 1 vòng sao cho khéo để tạo hình chóp nón. Bánh phải chặt tay không được lỏng, khi luộc bánh không bị ngập nước và bục.
Trứng vịt muối
Thời tiết dịp Lễ hội Thuyền Rồng nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể dễ mệt mỏi. Truyền thống ăn trứng vịt muối của người Trung Quốc đã có từ lâu. Chúng không chỉ giúp giải độc, dưỡng âm mà còn cung cấp nhiều dinh dưỡng. Chính vì thế người ta cũng hay dùng lòng đỏ trứng vịt muối làm nhân bánh bá trạng.
Trứng luộc với lá ngải cứu
Ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc rất ưa món trứng trà, có tính mát và vị trà thoang thoảng. Nhưng bên cạnh đó, món trứng luộc ngải cứu cũng được dùng nhiều. Trứng mang rửa sạch cùng lá ngải cứu, cho cùng nhau vào luộc sôi khoảng 8 phút là được. Ở nhiều nơi cẩn thận còn ủ thêm để trứng có vị ngải đậm đà.
Phụ nữ ăn món trứng luộc ngải cứu rất bổ dưỡng, chúng có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ chữa trị chứng lạnh cơ thể.
Bánh đậu xanh
Ăn bánh đậu xanh vào Tết Đoan Ngọ cũng trở thành truyền thống lâu đời của người Trung Quốc. Loại bánh này được ăn trong dịp Lễ hội Thuyền Rồng, trước là tưởng nhớ Ngũ Tử Tư - đại phu nước Sở, sau trở thành tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, sau là cũng là bánh đậu xanh giúp giải nhiệt mùa hè tốt. Đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, rất phù hợp để làm bánh ăn trong mùa hè nắng nóng.
Người Hàn Quốc ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Bánh Surichwitteok
Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc được gọi là ngày lễ Dano, ngày mặt trời có nguyên khí mạnh nhất. Khi ấy, người Hàn lại ăn bánh bột gạo. Bánh được làm từ bột gạo nếp, rau cải cúc Surichi hoặc rau ngải cứu Ssuk. Trên mặt bánh, người ta đóng dấu hình bánh xe Surebakwi.
Uống jehotang
Jehotang là một thức uống được người Hàn Quốc ưa chuộng từ xa xưa. Chúng được làm từ nhiều dược liệu tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như chogwa (một loại quả giống gừng xay), gỗ đàn hương trắng xay, mật ong, hạt thông... Thức uống này giúp giảm cảm giác đầy hơi hoặc đau dạ dày, và chúng cũng rất giàu chất chống oxy hóa.
Aengdupyeon
Aengdupyeon là món ăn nhẹ như thạch được làm bằng cách đun sôi anh đào chín, ép lấy nước. Đun sôi nước sau khi thêm mật ong, để alnhj và cắt hình chữ nhật.
Ngoài ra, người dân cũng sẽ ăn bánh junchi mandu, gọi là màn thầu cá trích.
Người Nhật Bản ăn gì vào Tết Đoan Ngọ?
Tết Đoan Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch ở Nhật Bản là ngày Tết thiếu nhi dành cho các bé trai, gọi là Kodomo no hi. Trong ngày này, các gia đình sẽ treo cờ cá chép. Ngoài ra, họ cũng làm các món ăn phổ biến.
Bánh kashiwa
Trong các ngày lễ của cư dân Á Đông, dường như không thể thiếu được bánh gạo nếp. Người Nhật Bản cũng vậy, trong ngày lễ mùng 5 tháng 5, người dân làm bánh gạo nếp với đậu đỏ, bọc trong lá sồi, gọi là bánh kashiwa.
Bánh chimaki
Chimaki là bánh gạo nếp được bọc lá tre hoặc lá xương bồ, lá dong.
Ngoài ra, người dân cũng sẽ làm Obento hay bữa cơm có hình cá chép để cầu chúc cho con mình được mạnh khỏe.