22 năm trước, Cristiano Ronaldo bất ngờ đổ gục xuống sân đấu đầy đau đớn. Khi đang khoác áo đội trẻ CLB Sporting Lisbon (năm 2000), cầu thủ người Bồ Đào Nha được chẩn đoán mắc bệnh tim. Nhịp tim của anh đập nhanh bất thường ngay cả khi không vận động.
Bất chấp những cảnh báo, tiền đạo này vẫn trở lại với sân cỏ. Song, căn bệnh hiểm nghèo khiến anh có thể đột tử bất cứ khi nào.
Sự nghiệp suýt trật bánh
Đối với các vận động viên quốc tế, duy trì sức mạnh tinh thần và thể chất là điều tối quan trọng. Năm 2021, Ronaldo từng chia sẻ với tạp chí Australian Men's Health: “Tuổi thọ là điều quan trọng nhất. Bạn có thể thấy tuổi của tôi rất lớn. Tôi đã 36 tuổi nhưng vẫn có thể cạnh tranh với những cầu thủ giỏi nhất và duy trì phong độ như tôi 20 tuổi. Thật không dễ dàng, nhưng sự kiên định cần có để đưa bạn đến sự hoàn hảo”.
Được coi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá, nhưng đã có lúc sức khỏe của Ronaldo gần như khiến anh phải trả giá bằng cả sự nghiệp.
Hồi 15 tuổi, trong một buổi tập cùng CLB Sporting Lisbon, Ronaldo bất ngờ ngã gục xuống sân đau đớn. Ngay lập tức cậu bé đã được các bác sĩ kiểm tra và đã cho Ronaldo trợ tim khẩn cấp.
Năm 2009, trước sự ngỡ ngàng của mọi người, Dolores Aveiro – mẹ nam cầu thủ - tiết lộ anh đã trải qua cuộc phẫu thuật tim khiến sự nghiệp của anh suýt trật bánh. “Tim anh ấy đập nhanh ngay cả khi cơ thể không vận động. Các bác sĩ đã sử dụng tia laser để xác định nguyên nhân. Có nhiều người ở Sporting cảnh báo tôi về vấn đề này và tôi đã phải lên Lisbon ký vào một số giấy tờ để Ronaldo được phẫu thuật”, bà nói.
Ronaldo được phẫu thuật vào buổi sáng và xuất viện vào cuối buổi chiều. Trước khi họ biết chính xác nam cầu thủ mắc bệnh gì, bà Dolores Aveiro đã rất lo lắng vì có khả năng con trai sẽ phải giã từ sự nghiệp mới chớm nở. Nhưng việc điều trị diễn ra tốt đẹp và sau vài ngày, anh đã tập luyện trở lại.
Hơn hai năm sau ca phẫu thuật tim, Ronaldo chuyển sang MU với giá 12,24 triệu bảng Anh.
Nhịp tim nhanh nguy hiểm thế nào?
Nhịp tim nhanh là thuật ngữ y tế chỉ nhịp tim trên 100 nhịp một phút. Bệnh nhịp tim nhanh không phải lúc nào cũng đáng lo, ví dụ khi tập thể dục hoặc phản ứng căng thẳng cũng có thể gây tăng nhịp tim.
Tình trạng này cũng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc biến chứng nào. Nhưng nếu không được điều trị, một số dạng nhịp tim nhanh có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ hoặc đột tử do tim.
Có nhiều loại nhịp tim khác nhau, dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
- Rung tâm nhĩ (A-fib): Đây là loại nhịp tim nhanh phổ biến nhất. Các tín hiệu điện hỗn loạn, không đều trong các buồng trên của tim (tâm nhĩ) gây ra nhịp tim nhanh. Rung tâm nhĩ có thể là tạm thời, nhưng một số người sẽ không thể khỏi tình trạng này nếu không được điều trị.
- Cuồng nhĩ: Cuồng nhĩ cũng tương tự rung tâm nhĩ nhưng nhịp tim có tổ chức hơn. Các cơn cuồng nhĩ có thể tự khỏi nhưng một số người phải điều trị. Những người bị cuồng nhĩ cũng thường bị rung nhĩ vào các thời điểm khác.
- Nhịp nhanh thất (VT): Loại rối loạn nhịp tim này bắt đầu ở các ngăn dưới tim (tâm thất). Nhịp tim nhanh khiến tâm thất không thể đổ đầy máu và co bóp, bơm máu đi khắp cơ thể. Các cơn nhịp nhanh thất có thể ngắn và chỉ kéo dài vài giây mà không gây hại. Nhưng những đợt kéo dài hơn vài giây có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Nhịp tim nhanh trên thất (SVT): Là thuật ngữ rộng bao gồm các rối loạn nhịp tim bắt đầu trên tâm thất. Nhịp tim nhanh trên thất gây ra các đợt đánh trống ngực bắt đầu và kết thúc đột ngột.
Theo WebMD, nhịp tim nhanh trên thất có thể ảnh hưởng đến những người hút thuốc, uống quá nhiều rượu hoặc caffeine. Trong một số trường hợp, nó có liên quan đến các cơn đau tim. Bệnh này phổ biến hơn ở phụ nữ và trẻ em.
- Rung thất: Các tín hiệu điện nhanh chóng, hỗn loạn khiến tâm thất run lên thay vì co bóp một cách phối hợp. Vấn đề nghiêm trọng này có thể dẫn đến tử vong nếu nhịp tim không được phục hồi trong vòng vài phút. Hầu hết người bị rung thất đều có bệnh tim tiềm ẩn hoặc đã trải qua chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn bị sét đánh.
Khi tim đập quá nhanh, nó có thể không bơm đủ máu đến phần còn lại của cơ thể. Kết quả là các cơ quan và mô không nhận đủ oxy. Nhịp tim nhanh có thể dẫn đến các triệu chứng: Tim đập thình thịch, đánh trống ngực; tức ngực; ngất; lâng lâng; chóng mặt; khó thở...
Một số người bị nhịp tim nhanh nhưng không có triệu chứng. Tình trạng này có thể được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc xét nghiệm tim với nguyên nhân khác.
(theo Tri Thức Trực Tuyến)