Hiện nay, những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ được điều trị tại nhà. Ngoài tuân thủ đúng liệu trình điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng rất cần thiết. Dinh dưỡng đầy đủ giúp bạn tăng cường sức đề kháng, lấy lại nguồn năng lượng đã mất cũng như tránh tình trạng suy dinh dưỡng.
Người bệnh thường bị mất vị giác hoặc khứu giác đột ngột, làm giảm khả năng ăn uống, không muốn ăn gì. Nếu không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng nặng, từ đó giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng hơn.
Dưới đây là nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng:
- Ăn đủ ba bữa chính mỗi ngày, đa dạng và cân bằng các nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, protein, chất xơ,… Phải đảm bảo cung cấp cho cơ thể ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm.
- Tăng cường các nhóm thực phẩm giàu protein như thịt, cá, đậu đỗ,…
- Thêm sữa và các chế phẩm từ sữa vào bữa phụ, nhất là khi bạn không ăn được.
- Bổ sung trái cây tươi, nước ép hoa quả, rau xanh, gia vị như gừng, tỏi,… để tăng cường sức đề kháng.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu có nhu cầu, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Tốt nhất bạn nên uống nước ấm và chia ra nhiều thời điểm trong ngày.
Để duy trì sức khỏe, đây là những việc bạn không nên làm:
- Bỏ bữa
- Ăn nhiều đồ ngọt như bánh, kẹo
- Ăn đồ ăn, uống nhiều đường, muối, chất kích thích…
- Dùng thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng
- Kiêng khem thực phẩm dù không bị dị ứng
Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến, thực hiện ăn chín uống sôi, lựa chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh.