Điện thoại giờ đây đã trở thành vật bất ly thân, không chỉ của bố mẹ và ngay cả các bạn học sinh cũng vậy. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho học sinh học online khiến chúng ta phải sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử nhiều hơn.
Không thể phủ nhận công dụng tuyệt vời của điện thoại trong cuộc sống ngày nay nhưng bạn biết đấy, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Việc sử dụng điện thoại trên 6 tiếng mỗi ngày có thể khiến nhiều bộ phận cơ thể bạn xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.
Gây ra căn bệnh kinh niên của hội GenZ: “Cột sống đau lòng quá”
Hội Gen Z vẫn thường trêu đùa nhau rằng mình chưa già mà đã chịu hàng loạt dấu hiệu của tuổi già như đau lưng, mỏi cổ vai gáy. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này có thể đến từ tư thế dùng điện thoại của bạn.
Theo bác sĩ phẫu thuật cột sống David Dewitt tại Trung tâm Y tế NeuroSpine, Wisconsin, Mỹ: "Việc cúi đầu khi dùng điện thoại khiến cho các cơ, dây chằng, gân ở cổ hoạt động nhiều hơn so với việc ngẩng đầu. Theo thời gian, sự kéo căng này sẽ làm suy yếu sức mạnh của các cơ, gây đau cổ và tổn thương cột sống cổ".
Vì vậy, những người bạn dùng điện thoại thường xuyên sẽ có cảm giác đau vai mỏi gáy, dấu hiệu điển hình của bệnh gai đốt sống cổ. Để giảm bớt tình trạng này, khi sử dụng điện thoại, bạn hãy nâng điện thoại lên ngang tầm mắt, giữ thẳng tư thế.
Gây khô và đau mắt
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như TV, máy tính, điện thoại có tác động rất tiêu cực tới mắt khi nhìn chằm chằm trong thời gian dài. Việc sử dụng điện thoại quá lâu sẽ gây mỏi mắt, khô và nhức mắt thậm chí có thể dẫn tới một số bệnh nghiêm trọng về mắt.
Để bảo vệ mắt, bên cạnh việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, chúng ta cần điều chỉnh độ sáng tùy theo cường độ ánh sáng xung quanh.
Gây xỉn màu da, dễ nổi mụn
Bức xạ điện thoại có thể làm tổn thương da ở một mức độ nhất định. Những người dùng điện thoại quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chức năng bài tiết và trao đổi chất bình thường của da, khiến da xỉn màu, tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ nổi mụn, tàn nhang. Kéo dài tình trạng này sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
Gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc
Bạn đang tuổi ăn tuổi ngủ mà tối nào cũng chập chờn, đến mấy đàn cừu vẫn chẳng ngủ được. Nguyên nhân có thể đến từ thói quen dùng điện thoại trước khi đi ngủ đấy.
Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại khiến cơ thể giảm sản xuất melatonin tự nhiên – một loại hormone điều chỉnh giấc ngủ. Ngoài ra, chúng còn làm gián đoạn nhịp điệu sinh học tự nhiên, gây ra chu kỳ REM ngắn hơn, khiến bạn khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Để cải thiện tình trạng trên, trước khi đi ngủ, bạn nên hạn chế dùng điện thoại, máy tính để tâm trí và cơ thể có thời gian thư giãn hoàn toàn.
Gây đau khớp ngón cái
Khi sử dụng điện thoại, ngón tay cái chính là bộ phận hoạt động nhiều nhất. Nếu liên tục dùng điện thoại thì khớp ngón cái phải hoạt động quá mức sẽ dẫn tới tổn thương như viêm bao gân gấp ngón cái (hay còn gọi là ngón tay lò xo).
Đây chính là một tình trạng xảy ra do viêm bao gân gấp các ngón tay gây hẹp bao gân. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc duỗi các ngón tay, thậm chí, phải dùng tay bên kia kéo các ngón ra như kiểu lò xo.
Gây ảo giác
Nếu bạn dùng điện thoại thường xuyên sau đó xa nó một chút bạn sẽ luôn trong trạng thái bồn chồn, thấp thỏm vì nghe như có tiếng chuông điện thoại hoặc âm báo tin nhắn.
Cả ngày tâm trí bạn chỉ hướng về chiếc điện thoại như thế sẽ gây căng thẳng, tạo tâm lý phải luôn mang điện thoại bên mình.
Vẫn biết điện thoại rất quan trọng nhưng bạn nên điều chỉnh thời gian sử dụng hợp lý và có quãng nghỉ ngơi giữa các tiết học để cả cơ thể được thoải mái hơn, học tập cũng hiệu quả hơn nhiều đấy.