Chuyên gia nói gì về hiện tượng bản đồ nhiệt độ “đỏ hơn ớt bột”?

hueanh
Với nhiệt độ lên tới 40 độ C, chuyên gia khí tượng nhận định miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng nhất từ đầu năm 2018 và có thể là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm nay.

Theo VTC, chuyên gia khí tượng Hoàng Phúc Lâm (Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia) cho biết, đợt nắng nóng đỉnh điểm này sẽ kéo dài từ ngày 29/6. Từ ngày 1/7 sẽ lan rộng ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và kết thúc vào ngày 5/7. Các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ ngừng bị nắng nóng “tra tấn” vào ngày 6/7.

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng đánh giá đây sẽ là đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu năm 2018 ở miền Bắc và cũng có khả năng là là đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2018 đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Khu vực ven biển Trung Bộ có thể sẽ có thêm 1-2 đợt nắng nóng có cường độ tương đương đợt này. Trong đợt nắng nóng này, nhiệt độ cao nhất ban ngày phổ biến khoảng 39 độ C ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và từ 39-40 độ C ở các tỉnh ven biển Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất về đêm cũng khá cao, đặc biệt, trong các đêm từ 30/6 đến 3/7, nhiệt độ vào khoảng 30 độ C, không khí oi bức.

Đây là đợt nóng rất nguy hiểm vì nó sẽ xảy ra trên diện rộng trong 7 ngày liên tục nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Sau đợt nắng nóng, người dân cần đề phòng mưa lớn. Sau mưa lớn lại tiếp tục đề phòng dịch sốt xuất huyết lan rộng. Do vậy, hãy làm theo những cách dưới đây để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

Hạn chế ra ngoài vào giờ nắng cao điểm

Thời gian nắng trong ngày thường kéo dài từ 10-17 giờ, cao điểm nhất vào khoảng 13-16 giờ. Vì vậy, người dân nên hạn chế tối đa ra ngoài đường vào khoảng thời gian này. Nếu có việc ra đường, cần phải đeo kính râm, khẩu trang và che cơ thể bằng quần áo chống nắng có độ dày thích hợp. Bạn nên chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ được vitamin D từ trong ánh mặt trời.

Uống nhiều nước và tránh đồ lạnh

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo:

- Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thất khát để tránh mất nước. Không được uống aspirin và acetaminophen khi bị say nắng nóng vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

- Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc tập thể dục nên uống từ 2-4 ly nước mỗi giờ, không nên bổ sung nước bằng nước ngọt hay đồ uống có cồn.

- Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay.

- Với trẻ nhỏ thường mải chơi, nguy cơ mắc các bệnh do nhiệt cao hơn ở người lớn do trẻ thường không tự uống bổ sung nước, dấu hiệu cảnh báo một đứa trẻ mắc bệnh do nhiệt tương đối muộn hơn người lớn.

- Bên cạnh đó, cần hạn chế uống nước lạnh  bởi chúng khiến dạ dày bị co thắt, cản trở khả năng tiêu hoá, cản trở tĩnh mạch, tăng huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Dùng điều hoà đúng cách

Thông thường, độ chênh nhiệt độ trong nhà và ngoài trời khoảng 8 10 độ C là phù hợp với cơ thể con người. Trong mùa nóng, nhiệt độ điều hoà khoảng 26 độ C là tối ưu nhất, đảm bảo cho người sử dụng tránh được các bệnh như: đau đầu, viêm họng, ngạt mũi. Không bước vào phòng máy lạnh ngay khi mới ở ngoài trời nắng về hoặc bước từ khu vực có điều hòa vội vã bước ra ngoài trời nắng nóng. Thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ ảnh hưởng rất xấu tới cơ thể của bạn. 

Trồng nhiều cây xanh

Ban nên đặt cây xanh trong nhà cũng như trồng nhiều cây xanh xung quanh khu vực sống. Màu xanh của cây cối làm giảm cảm giác nhức mắt, đồng thời cây xanh cũng tiết ra oxy làm không khí sạch hơn, dễ chịu hơn. Bạn có thể trồng các loại cây chịu nắng tốt như ngâu, lộc vừng, hoa giấy,... hoặc đơn giản hơn là đặt vài chậu cây cảnh cảnh trong nhà là được.

Những điều tuyệt đối không được làm khi bị say nắng, kiệt sức do nắng hay đột quỵ do nhiệt

- Không tự ý sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen. Hành động này sẽ làm bệnh nặng thêm bởi đây là 2 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ra vấn đề nghiêm  trọng tới sức khỏe bởi khi đó da của người bệnh có thể đang cháy nắng dẫn tới phồng rộp.

- Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng của người bệnh trong trường hợp họ đang bất tỉnh hoặc nôn mửa, vì có nguy cơ gây ngạt.

- Nhiều người thường cho rằng chà xát lên cơ thể bằng rượu, làm hạ nhiệt nhanh. Điều này rất nguy hiểm với người bệnh bởi rượu làm cơ thể hạ nhiệt quá nhanh dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể. Tốt nhất hạ nhiệt cơ thể người bệnh bằng nước lạnh thường.

- Bổ sung nước và chất điện giải là đúng nhưng không nên uống quá nhanh, quá nhiều, có thể gây sốc. Nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.

Huệ Anh

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về hiện tượng bản đồ nhiệt độ “đỏ hơn ớt bột”? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.