Chuyên gia tâm lí Laura Markham: "Lời xin lỗi thực tâm mới là đúng chuẩn!"

Nguyễn Như Quỳnh
"Nghe cháu thành thực xin lỗi, tôi rất cảm động vì trong xã hội ngày nay không ít người lớn gây hậu quả nhưng không dám nhận lỗi. Đây là hành động dũng cảm, thể hiện em được gia đình và nhà trường giáo dục rất tốt".

Câu chuyện và lời chia sẻ của chủ nhân ô tô bị vỡ gương - anh Nguyễn Hữu Trung (Bác sĩ Hội Châm cứu Hải Phòng" về cậu học trò viết thư xin lỗi dán lên kính xe nhanh chóng được nhiều diễn đàn chia sẻ, thu hút hàng nghìn lượt like và hàng trăm bình luận.

Những dòng chữ viết vội khiến cậu bạn lớp 10 trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) nhận được hàng trăm lời khen ngợi. Không chỉ anh Trung mà nhiều người cũng bày tỏ sự cảm kích, khen ngợi hành động trung thực, dám làm dám chịu, dũng cảm nhận lỗi của cậu bạn này. 

Có thể thấy, tất cả mọi người đều có thể mắc phải những sai lầm, nhưng lòng vị tha có thể chữa lành những hậu quả tồi tệ nhất. Không có chỗ cho sự xấu hổ khi cầu xin được tha thứ và tha thứ cho người khác. Trên thực tế, cầu xin sự tha thứ và tha thứ cho người khác là dấu hiệu của lòng can đảm.

Vì vậy, các pama hãy khuyến khích các bạn nhỏ nuôi dưỡng lòng can đảm để có thể sẵn sàng xin tha thứ và tha thứ cho người khác.

Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng đủ dũng cảm để nói lời xin lỗi và thực hiện chúng một cách chân thành.

Theo Laura Markham - Chuyên gia viết sách tâm lý trẻ em thì lời xin lỗi thực tâm mới là lời xin lỗi đúng chuẩn, còn miễn cưỡng có hại nhiều hơn có lợi. 

Laura Markham chia sẻ, nếu bạn hỏi một cậu bạn về việc chúng bị cha mẹ buộc phải nói lời xin lỗi với bạn hay em mình, bạn sẽ thấy câu trả lời ngạc nhiên: 

- "Khi con đang điên lên vì tức, con ghét nói lời xin lỗi, nó chỉ làm cho con thêm điên lên".

- "Con không thích anh trai xin lỗi con khi mà cha mẹ con buộc anh ấy làm điều đó, bởi vì anh ta hành động như thể anh ta không hề mốn. Điều đó chỉ làm con tức giận thêm lần nữa".

- "Đó là một lời nói dối, anh ấy thật sự không thấy có lỗi".

Cho nên, buộc chúng nói những câu "Anh/em xin lỗi" là một trong những sai lầm bởi điều này không thể giải quyết được mâu thuẫn.

Chuyên gia đồng ý rằng các bạn trẻ không nên bị bắt buộc nói “xin lỗi” khi chúng làm sai việc gì. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bạn ý không cần nói lời xin lỗi.

Chuyên gia tâm lí trẻ em Laura Markham đã chia sẻ 4 cách để các bạn nhỏ có được những lời xin lỗi đúng chuẩn:

1. Tập trung vào việc giúp đỡ trẻ giao tiếp với nhau hơn là buộc trẻ nói lời xin lỗi

Giúp trẻ lắng nghe nhau bằng cách yêu cầu từng đứa trẻ trình bày lại sự việc gây mâu thuẫn. Qua đó bạn sẽ hiểu được vấn đề gây bất hòa giữa chúng. Phân tích và chỉ dẫn cho trẻ điều đúng, điều sai. Qua đó, những đứa trẻ sẽ hiểu nhau hơn và mối quan hệ sẽ được hàn gắn.

"Một lời xin lỗi miễn cưỡng gần như vô nghĩa kể cả với người lớn", Markham đã viết như vậy trong cuốn sách của mình.

2. Chờ cho đến khi cơn giận đã lắng xuống

Nếu bạn trẻ chủ động gợi ý xin lỗi, hãy lắng nghe giọng nói của chúng. Nếu trong thanh âm của bạn ý vẫn còn sự giận dữ, các cô chú cần cho các bạn thêm thời gian để cơn nóng giận qua đi.

Hãy nói với bạn như sau: "Mẹ không muốn con nói lời xin lỗi bạn/em khi con vẫn chưa nhận thấy lỗi của mình" hay "Mẹ không muốn con xin lỗi bạn/em khi mà lời xin lỗi của con không làm cho ai đó cảm thấy khá hơn".

3. Để trẻ chủ động tự giải quyết vấn đề của mình

Điều này không có nghĩa là các cô chú phụ huynh để mặc trẻ với mối quan hệ đổ vỡ và những lỗi lầm. Thay vào đó, nên chỉ cho các bạn ý cách thức hàn gắn để mối quan hệ tốt đẹp trở lại.

Có thể đưa ra các ý tưởng cho cô bạn, cậu bạn như: viết một tấm thiệt đẹp kèm theo lời xin lỗi, hay sửa chữa món đồ chơi bị hư cho bạn/em trai.

Chuyên gia Markham đã chỉ cho các bậc cha mẹ, sau khi gợi ý cho con hãy nói rằng: "Mẹ tin chắc con biết mình cần làm những gì" và rời khỏi phòng.

4. Hãy thể hiện tình yêu khi trẻ mắc lỗi và luôn nhớ cha mẹ là tấm gương cho trẻ noi theo

"Trẻ con luôn quan sát và học hỏi cách xử lí mâu thuẫn trong mối quan hệ của các bậc cha mẹ", Markham viết. Do đó, khi có mâu thuẫn trong gia đình, cha mẹ cần phải có cách xử lý khéo léo, để chắc chắn rằng thông điệp xin lỗi của mình là chân thành. Lời nói, hành động cần mang thông điệp tích cực, không phải là một lời xin lỗi miễn cưỡng để trẻ có thể học hỏi, noi theo.

Mỗi bậc làm cha làm mẹ đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ của mình, và hơn hết ai hết, luôn muốn nuôi dạy các bạn ý mình trưởng thành đúng cách.

Đây là một trong những kỹ năng cần thiết giúp các bạn ấy có thể vững vàng bước đi và trở thành một con người có trách nhiệm, biết tôn trọng mọi người và trở thành người có ích cho xã hội!

Quỳnh Nguyên

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia tâm lí Laura Markham: "Lời xin lỗi thực tâm mới là đúng chuẩn!" tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Miền Bắc tái diễn nồm ẩm kéo dài

Từ nay đến ngày 21/3, miền Bắc vẫn kéo dài tình trạng mưa phùn sương mù. Độ ẩm tăng cao khiến nồm ẩm trở thành nỗi "ác mộng" của thời tiết Bắc Bộ.