Con đi trải nghiệm, phụ huynh: Người vui, người tủi, người lo lắng

TP
Theo chia sẻ của các phụ huynh, hoạt động trải nghiệm, về cơ bản đều mang đến những khám phá mới mẻ, thú vị, bổ ích, niềm vui cho con. Tuy nhiên, việc những hoạt động này liệu đã thực sự đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT, nhận được sự đồng thuận của các phụ huynh và đã thực sự đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia hay chưa thì còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp.

Hoạt động trải nghiệm mang tới những niềm vui

Hiện nay, các tiết học hoạt động trải nghiệm không chỉ bó buộc trong từng cấp học. Hầu hết các trường học từ mầm non đến cấp THPT đều có những chương trình học trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong đó, nhiều phụ huynh đánh giá cao chất lượng của các hoạt động này.

Chị Nguyễn Thị Hòa (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) có một con trai 4 tuổi, hiện đang học tại trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cho biết, quan điểm của chị là trẻ em đang trong độ tuổi mầm non cần được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để khám phá thế giới xung quanh. Điều này sẽ giúp trẻ có thêm những vốn hiểu biết và tự tin hơn trong cuộc sống.

Các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường được phụ huynh đánh giá cao.
Các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường được phụ huynh đánh giá cao.  (Ảnh minh họa)

"Trong năm học này, con tôi ở trường được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: vẽ tạo hình, gymkids, học nấu ăn, nhặt rau, đi tham quan sở thú,... Mỗi lần tham gia trải nghiệm về nhà con đều rất vui, tíu tít kể cho bố mẹ nghe về những hoạt động đã trải qua trong ngày. Bản thân là phụ huynh chỉ cần con thích, tôi luôn sẵn sàng cho con tham gia trải nghiệm", chị cho biết.

Ngoài ra, chị Hòa cũng cho biết, các hoạt động này nhà trường không ép buộc phụ huynh cho con tham gia. Cha mẹ có thể lựa chọn những hoạt động phù hợp để con tham gia, với những hoạt động cần kinh phí tổ chức, nhà trường thu ở mức hợp lí. "Tôi hài lòng về những hoạt động nhà trường tổ chức cho con tham gia, nhờ đó con trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn. Đặc biệt là con rất thích được đến trường để được gặp cô giáo và các bạn", cô Hòa cho hay.

Một chương trình hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Một chương trình hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Ảnh minh họa)

Với anh Nguyễn Văn Tuyên, hiện có con đang học tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, hiện nay môn học Hoạt động trải nghiệm phụ huynh đều đã nắm được. Ở trường, con của anh được tham gia các hoạt động trải nghiệm trong tiết Chào cờ thứ 2 đầu tuần hay sinh hoạt lớp. Ở đó, học sinh được học về các kĩ năng sống, thói quen đọc sách, làm đồ thủ công handmade,... "Tôi thấy rằng, hoạt động học tập này có lợi cho con và bạn bè. Hiện nay, các con không chỉ học tập kiến thức trên lớp mà nên được trang bị những kĩ năng xã hội cần thiết thông qua các hoạt động trải nghiệm", anh Tuyên nói.

Anh Tuyên cho biết thêm, trong các hoạt động ngoài trường học, nhà trường cũng thông báo rõ ràng đến các vị phụ huynh về thời gian, địa điểm, mức phí đóng góp và đơn vị phối hợp tổ chức. "Các chương trình dã ngoại đều phải nhận được sự thống nhất của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Tôi thấy đây là cách thực hiện rất rõ ràng từ phía nhà trường, bởi bố mẹ phải nắm được con đi học như thế nào. Tôi thấy các hoạt động trải nghiệm tổ chức bên ngoài cũng rất hay, các con được tìm hiểu về môi trường sống tự nhiên, di tích lịch sử, tham quan làng nghề. Vì vậy, tôi cũng yên tâm hơn phần nào về phương pháp giáo dục hiện nay", anh Tuyên chia sẻ.

Còn đó những lo lắng

Không phủ nhận những giá trị của hoạt động trải nghiệm mang lại cho học sinh. Tuy vậy, vẫn còn những lí do phụ huynh chưa thực sự an tâm. Chị Nguyễn Trà My (Hà Tĩnh), hiện có con đang học lớp 8 đưa ra quan điểm: "Vừa qua, tôi thấy trường hợp học sinh đi trải nghiệm ở xa gặp tai nạn xe buýt trong quá trình di chuyển hay phụ huynh và học sinh bị đuối nước khi đi ra biển tham quan bãi bồi. Liệu có nhất thiết các nhà trường phải cho con đi quá xa và chọn những nơi thiếu an toàn như vậy. Trong khi đó, trong tỉnh cũng có nhiều địa điểm để các con tham quan và trải nghiệm thực tế. Có những tai nạn ngoài ý muốn trong quá trình, tuy nhiên tôi nghĩ điều này có thể tránh được, nếu gia đình và nhà trường thống nhất về việc chọn địa điểm và chú ý hơn đến việc di chuyển của học sinh".

Học sinh một trường học trên địa bàn thủ đô bị ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi trải nghiệm. Ảnh: BLĐ
Học sinh một trường học trên địa bàn thủ đô bị ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi trải nghiệm. Ảnh: BLĐ

Với anh Nguyễn Tiến Hùng (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), điều vị phụ huynh này quan tâm là chế độ ăn uống của con khi đi dã ngoại cùng bạn bè. Anh Hùng kể: "Gần đây, con của tôi hiện đang học mầm non được cô giáo đưa đi trải nghiệm làm bánh. Khi về nhà, con rất vui vì được chơi cùng các bạn. Tuy nhiên, con có nói với bố mẹ là bị đói vì chỉ được ăn bánh tự làm. Tôi nghĩ, nhà trường cần quan tâm, sát sao hơn đến những bữa ăn của học sinh, phải đủ chất vì các con hoạt động liên tục. Ngoài ra, nhà trường cũng cần chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì theo tôi biết đã có trường học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi tham gia hoạt động trải nghiệm".

Mức phí đóng góp cũng là vấn đề phụ huynh rất quan tâm, bởi để tổ chức các chuyến đi trải nghiệm ở các địa phương khác, số tiền đóng góp của gia đình sẽ nhiều hơn. Anh Trần Văn Hùng (Long Biên, Hà Nội), một phụ huynh có con đang học lớp 11 bày tỏ, hiện anh có con đang học ở một ngôi trường điểm, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm xa cho học sinh. 

Việc lựa chọn không gian trải nghiệm phải đảm bảo an toàn cho học sinh.
Việc lựa chọn không gian trải nghiệm phải đảm bảo an toàn cho học sinh.

"Vì các con đã lớn nên tôi cũng an tâm cho con tham gia trải nghiệm cùng các bạn, tuy nhiên với mức đóng góp có khi lên đến cả triệu đồng, tôi cũng đắn đo. Vậy nhưng các bạn khác đều đi mà con phải ở nhà, cháu cũng rất tủi thân nên gia đình cũng cố gắng tạo điều kiện cho con. Khía cạnh khác, nhiều gia đình có kinh tế không dư giả, có nhiều khoản phải chi tiêu, cũng khó có thể cho con trải nghiệm được. Vì vậy, tôi nghĩ các nhà trường cần phải nắm được hoàn cảnh của học sinh để có phương án hỗ trợ để tất cả học sinh đều có thể tham gia", anh Hùng phân tích.

Thời gian qua, một số Sở GD&ĐT đã cấm việc lợi dụng hoạt động trải nghiệm núp bóng tham quan, du lịch để thu tiền của phụ huynh. Điều này cho thấy ngành Giáo dục đã thực sự quan tâm tới việc tổ chức các chương trình học thuộc môn Hoạt động trải nghiệm ở các cấp học sao cho thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Từ đó, môn học này thực sự mang đến những điều bổ ích, kiến thức mới mẻ và trải nghiệm sáng tạo cho học trò.

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Con đi trải nghiệm, phụ huynh: Người vui, người tủi, người lo lắng tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác