Thức ăn nhanh là món ăn yêu thích của rất nhiều người vì thơm ngon, tiện lợi lại không quá đắt tiền. Dù đã rất quen thuộc với những cái tên như McDonald's, KFC hay Popeyes,… nhưng đã bao giờ bạn tò mò về quá trình ra đời của những thương hiệu thức ăn nhanh đình đám này chưa?
Mỗi cửa hàng lại có câu chuyện về buổi đầu kinh doanh khác nhau và vô cùng đặc biệt.
1. McDonald's khởi đầu là một nhà hàng BBQ
Nhắc đến McDonald's, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những miếng gà rán giòn rụm, khoai tây thơm lừng. Tuy nhiên, trên thực tế, vào năm 1940, nhà hàng McDonald's đầu tiên được thành lập tại San Bernardino, California đã phục vụ món… thịt nướng đút lò. Sau thế chiến thứ II, khi anh em nhà Donald là Dick và Mac Donald nhận ra rằng 80% doanh thu của họ đến từ những chiếc burger, nhà hàng đã dần đổi hướng hoạt động và thay thế bằng những menu ít sự lựa chọn hơn song lại mang hiệu quả cao.
Khi thương nhân Ray Kroc đến thăm chi nhánh gốc của McDonald's vào năm 1954, ông đã thích thú và hào hứng đến mức mua lại quyền sở hữu thương hiệu này. Không lâu sau đó, vào năm 1961 Kroc quyết định đẩy mạnh đầu tư cho chuỗi nhà hàng trên, lột xác từ một thương hiệu gia đình trở thành một hiện tượng toàn cầu.

2. Burger King được thành lập nhằm cạnh tranh McDonald's ngay từ những ngày đầu
Burger King được gây dựng từ năm 1953 khi hai thương gia là Keith Kramer và Mathew Burns cùng nhau lập quán đồ ăn nhanh theo ý tưởng kinh doanh của McDonald’s ở thành phố Jackdobsville, bang Florida (Mỹ). Quán ăn của họ có tên là Insta-Burger King. David Edgerton và James McLamore là hai trong số những người kinh doanh theo phương thức mua thương hiệu. Họ đã mua quyền sở hữu thương hiệu năm 1954 khi Keith Kramer và Mathew Burns gặp khó khăn về tài chính, rồi sau đó sửa đổi tên thương hiệu thành Burger King.

3. In-N-Out Burger đã sáng tạo ra hình thức "drive-thru" nổi tiếng hiện nay
Harry và Esther Snyder khai trương cửa hàng Burger In-N-Out đầu tiên ở Công viên Baldwin, California vào năm 1945. Cặp đôi này tham gia sát sao vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của cửa hàng, cụ thể: Harry mua nguyên liệu vào mỗi buổi sáng còn Esther đọc sách để nghiên cứu.
Harry dành hàng giờ trong nhà để xe của mình để chế biến món ăn. Vào năm 1948, ông đã thành công giới thiệu một hộp loa hai chiều đặt tại nhà hàng, giúp khách hàng dễ dàng đặt thức ăn mà không cần rời khỏi xe. Đây chính là cách mua hàng “drive-thru” phổ biến hiện nay.

4. Popeyes thật chất được đặt tên theo một bộ phim hình sự gai góc thay vì phim hoạt hình thủy thủ như lầm tưởng
Popeyes Chicken & Biscuits hoạt động vào năm 1972 với tên gọi "Chicken on the Run" ở Arabi, Louisiana, ngoại ô New Orleans. Vì công việc kinh doanh khá "chậm chạp", chủ nhà hàng Alvin C. Copeland, Sr. đã đặt tên mới cho nhà hàng là "Popeyes" theo tên của một bộ phim bom tấn năm 1971. Trong phim, nhân vật người cảnh sát Pháp cộc cằn "Popeye" Doyle được Gene Hackman thủ vai.
Copeland cũng chuyển từ phục vụ gà rán kiểu miền Nam sang gà cay kiểu New Orleans. Chuỗi thức ăn này đã khai trương nhà hàng thứ 500 vào năm 1985 và thứ 2.000 vào năm 2011.
5. Chủ của KFC, Colonel Sanders đã khắc tất cả công thức vào... cánh cửa bếp
KFC - hay Kentucky Fried Chicken - được thành lập bởi Harland Sanders. Ông đã sáng chế những công thức làm gà rán hoàn hảo trong suốt thời gian làm phụ bếp tại một trạm xăng năm 1930. Ông thậm chí còn khắc 11 loại thảo mộc và gia vị bí mật vào mặt sau của cánh cửa bếp.
Năm 1952, Sanders tự thân mở cửa hàng gà rán Kentucky đầu tiên. Thời điểm ông bán hết tất cả cổ phần của mình vào 12 năm sau, trên thị trường đã có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền. Ngày nay, trên thế giới có hơn 21000 cửa hàng KFC.

6. Subway được thành lập bởi... một cậu thiếu niên 17 tuổi
Giám đốc điều hành của Subway - Fred DeLuca đã kinh doanh cửa hàng đầu tiên tại Bridgeport, Connecticut khi ông chỉ mới 17 tuổi. Hầu hết mọi người đều nghĩ "Subway" được lấy cảm hứng từ một phương tiện công cộng phổ biến ở New York, song trên thực tế đó chính là một "phiên bản" ngắn gọn hơn của "Pete's Submarines" (Tàu ngầm của Pete).
DeLuca đặt tên cửa hàng như một cách tri ân Peter Buck, một người bạn đã cho anh vay tiền vốn để có thể khởi nghiệp. Vào năm 1968, đôi bạn này đã quyết định rút ngắn tên nhà hàng thành Subway để có thể phù hợp hơn với quảng cáo trên radio. Ngày nay, trên khắp thế giới có khoảng hơn 40000 cửa hàng Subway.
