Những đám mây tổ ong này có thể có cấu trúc tế bào dạng đóng kín - loại mây trắng, sáng giúp phản xạ ánh sáng Mặt Trời trở lại không gian, làm mát Trái Đất - hoặc dạng mở, cho phép nhiều ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất hơn. "Những thứ phức tạp này là một nguồn gây lỗi trong việc mô hình hóa khí hậu Trái Đất vì chúng không được đưa vào một cách thích hợp. Điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng hợp lý giữa các tế bào mở và đóng, nếu không kết quả có thể sẽ sai", nhóm nghiên cứu viết.
Nhóm chuyên gia tin rằng họ đã tìm được sự cân bằng hợp lý và hiểu rõ hơn về vai trò của lượng mưa trong việc rửa sạch không khí. Sử dụng ảnh vệ tinh, họ so sánh đám mây tổ ong với các phép đo aerosol từ đài quan sát Kennaook/Cape Grim và lượng mưa từ những máy đo gần đó và nhận thấy, mẫu không khí sạch nhất gắn liền với sự hiện diện của mây tổ ong dạng mở.
Mây tổ ong dạng mở có độ ẩm lớn hơn, gấp khoảng 6 lần những đám mây trắng bông dạng đóng kín. Chúng khiến trời trông như ít mây khi nhìn từ vệ tinh, nhưng thực chất lại mang đến những cơn mưa rào hiệu quả nhất giúp rửa trôi aerosol. Trong khi đó, mây dạng đóng kín trông có vẻ dày dặn lại kém hiệu quả hơn.
Mây tổ ong mở xuất hiện phổ biến nhất vào mùa đông, dẫn đến không khí sạch nhất vào thời điểm đó. Ngoài Nam Đại Dương, dạng mây này cũng xuất hiện ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương trong mùa đông.
Dù mật độ aerosol trong không khí phía trên Nam Đại Dương chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, lượng mưa vẫn đóng vai trò chủ đạo. "Lượng mưa là điểm then chốt, đặc biệt là mưa từ những đám mây tổ ong dạng mở này. Mưa tẩy sạch các hạt aerosol trên trời giống như cách máy giặt làm sạch quần áo", nhóm nghiên cứu viết.
(Theo Science Alert)