Quan sát của các chuyên gia cho thấy, trẻ em ngày nay lớn nhanh hơn trước và trung bình độ tuổi dậy thì của các em sớm hơn trước rất nhiều. Vì thế, nhiều bố mẹ bỏ qua mất giai đoạn để tăng chiều cao cho con.
Trao đổi với VTV.vn, thầy thuốc ưu tú Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, giai đoạn quan trọng nhất để phát triển chiều cao của trẻ chính là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Bé gái dậy thì trong khoảng 10 - 15 tuổi, còn bé trai trong khoảng 12 - 18 tuổi.
Hiện nay, tình trạng dậy thì sớm tăng lên rất nhiều. Trước đây, tại khoa Nội tiết, BV Nhi Trung ương, mỗi năm chỉ điều trị khoảng 200 cháu dậy thì sớm. Bây giờ, hàng năm có khoảng 500 cháu đến khám và điều trị.
Ở bé gái, nếu xuất hiện biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi thì được gọi là dậy thì sớm và với bé trai là trước 9 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn để biết những biểu hiện dậy thì ở trẻ.
Theo nghiên cứu, nếu trẻ dậy thì sớm thì thường sau này sẽ không cao như các bạn cùng trang lứa. Bé gái dậy thì sớm có thể thấp hơn bạn của mình tới 12cm. Đặc biệt, bé trai dậy thì sớm có thể thấp hơn 20cm so với bạn cùng trang lứa.
Trong 3 năm tiền dậy thì và dậy thì, trẻ có thể tăng trung bình 8-10cm/năm, cá biệt có cháu tăng tới 15-20 cm trong một năm. Vì vậy, làm sao để trẻ tăng chiều cao khi dậy thì sớm là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm là do đâu?
Do chế độ ăn uống: Trẻ ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc được chăn nuôi công nghiệp sẽ có nguy cơ dậy thì sớm, nguyên nhân là do trong sự chăn nuôi công nghiệp người ta thường kích thích tăng trưởng bằng hormon tăng trưởng điều này khiến ảnh hưởng tới trẻ và làm trẻ dậy thì sớm.
Trẻ bị béo phì: Chính sự tích tụ mỡ ở cơ thể gây nên sự rối loạn chuyển hóa nội tiết tố.
Ảnh hưởng của phim ảnh người lớn: Khi trẻ tiếp cận tới những hình ảnh nóng, phim người lớn … điều này khiến trẻ bị kích thích thần kinh, đẩy nhanh quá trình chín ở hệ viền của não – vùng quyết định sự dậy thì của trẻ.
Chế độ nghỉ ngơi: Trẻ nhạc vàng sầu não nhiều từ bé dễ bị kích thích dậy thì sớm và nghiêm trọng hơn là có thể khiến trẻ bị mắc bệnh tự kỉ. Trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ điện tử quá nhiều, xem tivi quá nhiều, các sóng điện từ phát ra từ các đồ công nghệ cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ khiến trẻ dậy thì sớm.
Bệnh lí gây ra khiến trẻ bị dậy thì giả: Do một số bệnh lý như u não gây tăng tiết hormone tuyến sinh dục, cũng có thể là u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh khiến trẻ bị dậy thì sớm.
Dậy thì sớm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chiều cao?
Dậy thì sớm sẽ khiến trẻ dễ bị sốc, bị tự kỉ, trầm cảm, tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt, thích thể hiện cái tôi, dễ mắc sai lầm và đua đòi theo những việc làm xấu, có nhu cầu tình dục theo bản năng chứ chưa nhận thức được nên dễ bị mắc sai lầm hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Đồng thời, dậy thì sớm còn là một trong những nguyên nhân kìm hãi sự phát triển chiều cao của trẻ.
Dậy thì sớm thường tiết ra các hormone kích hoạt sự phát triển xương khiến trẻ cao lên rất nhanh. Tuy nhiên, các đầu xương sau đó nhanh chóng đóng lại khiến trẻ không tiếp tục cao thêm. Do đó, những trẻ bị dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng lứa và không đạt đến chiều cao mà gene di truyền của trẻ quy định.
Vậy, có điều trị được bệnh dậy thì sớm hay không? Trao đổi với Khampha.vn, tiến sĩ Bùi Phương Thảo cho biết: "Khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ là dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của con. Điều trị dậy thì sớm ở trẻ được tiến hành như sau:
Trong trường hợp trẻ bị dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm do kích hoạt của vùng dưới đồi tuyến yên hoặc tuyến sinh dục, hoặc có thể là vô căn (chủ yếu hay gặp ở bé gái), hay các trường hợp u não đặc biệt ở trẻ nam gây dậy thì sớm): Điều trị bằng biệt dược Dipherelin - Dẫn xuất của GnRH để ức chế dậy thì sớm.
Trẻ sẽ được tiêm bắp 4 tuần 1 lần từ khi phát hiện ra đến khi trẻ được 11 tuổi, hoặc đến khi gia đình và bản thân trẻ muốn dừng lại. Nếu không được điều trị thì khi trưởng thành, trẻ có thể bị giảm chiều cao tới 10cm. Chẳng hạn, nếu không được điều trị dậy thì sớm, sau này trẻ chỉ cao 150cm, nhưng trường hợp được điều trị, trẻ có thể cao tới 160cm. Vì vậy, nếu thấy bé có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa con đến viện để được khám và điều trị kịp thời.
Đối với dậy thì sớm ngoại biên: Nếu siêu âm thấy có khối u ổ bụng thì cần định vị xem khối u đó nằm ở đâu, và phải cắt. Một số trường hợp khác thì tùy theo bệnh lý, ví dụ tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm ở trẻ trai thì dùng thuốc uống để ức chế dậy thì.
Với trường hợp trẻ có tuyến vú phát triển sớm: Khi xét nghiệm không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt: Tuổi xương không tăng, siêu âm ổ bụng không thấy gì bất thường,… mà chỉ có vú to hơn bình thường, thì gọi là tuyến vú phát triển sớm. Trường hợp này không phải dùng thuốc ức chế dậy thì. Bố mẹ chỉ cần theo dõi biểu hiện của con từ 3 đến 6 tháng, sau đó khám lại".
Duy Minh (tổng hợp)