Đề xuất rút ngắn năm học: Học sinh có thể học theo tín chỉ

Nguyễn Hà
Liên quan đến những đề xuất rút ngắn năm học, luật hóa việc học qua mạng, cho con em người nước ngoài học trường công trên địa bàn TP... bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đưa ra một số ý kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, TP.HCM đang tập trung hoàn thiện đề án phát triển giáo dục TP đến năm 2030 và đặt ra tầm nhìn cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong đề án này, UBND TP.HHCM đề xuất rất nhiều nội dung theo hướng giáo dục hiện đại, phù hợp với đặc thù của TP trong tình hình mới.

Chưa đến 18 tuổi vẫn vào được đại học

Thưa bà, dựa trên cơ sở nào mà TP đề xuất rút ngắn năm học?

TP.HCM có rất nhiều loại hình trường như trường chuyên, trường hoạt động theo mô hình tiên tiến, trường phổ thông đại trà, còn học sinh (HS) thì có rất nhiều cấp độ từ có điều kiện đến hoàn cảnh đặc biệt... Ví dụ như chương trình ở trường chuyên bây giờ hoàn toàn khác chương trình phổ thông, vì HS ở đó học trước những lượng kiến thức của bậc ĐH.

Do đó, đề án đặt ra hướng tiếp cận vấn đề là những kiến thức mà HS đã học lúc còn phổ thông rồi thì lên ĐH không cần phải học lại kiến thức đó. Bây giờ luật quy định 3 năm là có thể tốt nghiệp ĐH, 3 năm tốt nghiệp THPT, 4 năm tốt nghiệp THCS, nhưng nếu chúng ta có điều chỉnh hợp lý hơn nữa thì thời gian học có thể rút ngắn hơn. Thực tế, theo khoa học về sư phạm thì có những môn học, có những chương trình học, các em có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm, thay vì 3 - 4 năm.

Việc rút ngắn năm học thực hiện ra sao, hướng đến lợi ích gì, thưa bà?

TP tính toán để vận dụng linh hoạt, phù hợp phương thức học tín chỉ của bậc ĐH cho bậc học phổ thông nhằm rút ngắn thời gian học dựa theo yêu cầu của HS, phụ huynh. Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc ĐH, sau ĐH sẽ giúp HS làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức. Khi đó, có thể mới 16 - 17 tuổi, thậm chí thấp tuổi hơn nữa đã có thể vào ĐH, không chờ đến đủ 18 tuổi như quy định hiện nay. Ở nhiều nước, họ đã làm được, đạt hiệu quả.

Đề án của TP dự tính mỗi năm học chỉ có 8 môn bắt buộc thôi, các môn còn lại HS tự chọn và có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm để thời gian còn lại, các em có thể học thêm các kỹ năng, ngoại ngữ...

Đa dạng hóa hình thức học tập

Vì sao TP đề xuất luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng internet khi sửa đổi luật Giáo dục, thưa bà?

Trong số hơn 1,6 triệu HS của TP có không ít em thường đi thi hay dự tập huấn thể thao quốc tế; nhiều em rất hoàn cảnh, thậm chí không có nhu cầu đến trường..., thì mình cũng cần có những chương trình học từ xa, có thể học online (trực tuyến) để các em ở nhà tự học, tự nghe bài giảng, tự nghiên cứu, định kỳ sẽ tổ chức thi tập trung ở trường, và nếu đủ điều kiện vượt qua kiểm tra kiến thức của kỳ thi thì vẫn được công nhận tốt nghiệp để dự kỳ thi chung.

Như vậy, những HS không có điều kiện đến trường mà vẫn muốn học tập thì vẫn có cơ hội học, vẫn có bằng cấp chính quy... Mình đa dạng hóa, luật hóa nhiều hình thức học tập cho nhiều đối tượng HS tiếp cận thì sẽ phù hợp hơn với tình hình mới.

Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông lên bậc ĐH, sau ĐH sẽ giúp HS làm quen với phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có sức học và có điều kiện học nhanh, học giỏi và đáp ứng được yêu cầu kiến thức

Còn đề xuất cho con em người nước ngoài học trường công liệu có khả thi không, thưa bà?

TP cũng có kế hoạch phát triển mô hình trường học tiên tiến, mà đã là tiên tiến thì phải có du HS vào học, góp phần tăng điều kiện giao lưu, nâng cao chất lượng trường công. Nếu như chỉ ở môi trường “nội địa hóa” mình cảm thấy tốt rồi thì khi có du HS vào học, các trường cũng phải tự lực đổi mới, chương trình phải đồng bộ, phát triển như các trường tiên tiến trong khu vực và thế giới để được các quốc gia khác công nhận, khẳng định được uy tín và để thu hút du HS ngày càng nhiều hơn.

Để thực hiện những cải tiến đó, TP.HCM chắc phải có SGK riêng?

Trong đề án có đề xuất cho TP tự biên soạn SGK. Nguyên tắc là TP tuân thủ đúng chuẩn kiến thức theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT. SGK mà TP được phép biên soạn riêng để áp dụng trên địa bàn chỉ hỗ trợ “nhuyễn hóa” chương trình cho phù hợp với thực tế học tập ở TP.HCM, đảm bảo không thấp hơn cũng không vượt khung. Đề án TP đang làm với tinh thần như vậy.

TP cũng có kiến nghị cho phép tự công nhận tốt nghiệp THPT. Khi được phép công nhận rồi, nếu HS đạt chuẩn thì sẽ được công nhận, không nhất thiết phải đủ 18 tuổi.

Khi đã cải tiến, cơ cấu môn học, biên chế lớp học cũng sẽ thay đổi, không nhất thiết là 40 hay 45 HS mỗi lớp nữa. Nếu đăng ký theo tín chỉ, thì đến giờ HS vô phòng đó học, hết giờ có thể qua phòng khác học. Không nhất thiết cố định suốt năm cả lớp phải đều học chung như bây giờ… Như vậy, không chỉ cần thay đổi tư duy về mặt quản lý, mà cũng cần có sự thay đổi suy nghĩ từ phía phụ huynh, HS về cách học, cách đánh giá năng lực học tập.

Theo Thanh niên

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất rút ngắn năm học: Học sinh có thể học theo tín chỉ tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Sức mạnh của đoàn kết

Báo TNTP&NĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết: "SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT" của bác Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.