Đình được xây dựng vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI, thờ Thành hoàng làng là Cao Sơn Đại Vương.
Ngôi đình cũng gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung năm 1789. Tương truyền, sau khi chiếm được đồn Hà Hồi, nghĩa quân Tây Sơn làm lễ tế Thành hoàng làng trước khi bắt đầu chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa.
Trải mấy trăm năm qua nhiều triều đại, sự thăng trầm của thời gian và chiến tranh, đình Hà Hồi được tu bổ nhiều lần, song vẫn giữ nguyên được những giá trị nghệ thuật, kiến trúc tinh hoa của các nghệ nhân xưa. Đình được xây dựng theo bố cục hình chữ Tam, hướng Nam chếch Đông, trước mặt là một thủy đình khá lớn.
Kiến trúc nổi bật nhất của đình là nghi môn gồm 5 cửa (ngũ môn) bề thế. Phía trước cửa đình là sân rộng - trung tâm văn hóa của làng. Đi qua cửa đình là ao đình với cây cầu 5 nhịp dẫn vào sân trong. Kiến trúc chính của đình gồm 3 tòa nhà lớn nằm song song: Tiền tế - đại bái - hậu cung. Những cấu kiện bằng gỗ của đình đều được chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt, phía trước nhà tiền tế có đôi rồng đá nguyên khối và đôi cẩu thạch, trong đình có đôi tượng “ông Phỗng” được tạc từ đá Lam Sơn (Thanh Hóa). Ngoài ra, toàn bộ sàn đình, bậc thềm cũng đều được lát bằng đá xanh khối lớn.
Có thể nói, đình Hà Hồi là một công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, ẩn chứa trong mình cả một hệ thống văn hóa – lịch sử. Với những giá trị nghệ thuật và lịch sử, đình Hà Hồi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi đồng, số 12 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi đồng. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |