"Đơn xin cho con tôi học dốt" của nhà văn trẻ gây sốt

Phạm Quang Trường
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch viết chia sẻ dựa trên những câu chuyện được nghe, chứng kiến về sự kỳ vọng phụ huynh đặt lên vai con cái khiến các em chịu áp lực lớn trong học tập.

Mới đây, trên trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đăng tải chia sẻ "Đơn xin cho con tôi học dốt" thu hút sự chú ý. Lá đơn được viết dưới góc nhìn của một phụ huynh khi chứng kiến tình trạng học tập của con mình.

Nội dung lá đơn là sự thú nhận về những áp lực mà chính cha mẹ đặt lên vai con cái trong chuyện học hành. Đó là sự ép buộc, luôn so sánh con với người khác hay "tệ" hơn là sự thiếu quan tâm, động viên con. Không dừng lại ở đó, bố mẹ sợ bị mất mặt với đồng nghiệp, hàng xóm mà luôn thúc em con học ngày đêm, đến lò luyện để không thua kém bạn bè...

Áp lực học tập từng khiến nhiều bạn bị stress dẫn đến trầm cảm.

"...Nó, con tôi, chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó... thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận", lá đơn có đoạn mở đầu.

Lá đơn còn đề cập đến chuyện việc một học sinh đến trường hiện nay phải học quá nhiều môn, trong khi đó lại không có thời gian để tập trung sâu vào những môn học yêu thích.

"Tôi như người điên... nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm... Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp... Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học", lá đơn kể về sự áp đặt của bố mẹ đặt lên vai con cái.

Hệ quả của việc thúc ép và áp đặt đó vô tình khiến những đứa trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí tự tử vì bị stress quá nặng.

Trước thực tế đau lòng đó, phụ huynh này viết đơn gửi nhà trường xin cho con là học sinh dốt, không cần giỏi, không cần tiên tiến. "...bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành phụ huynh đang tự đè nặng lên vai những đứa trẻ. Những đứa trẻ đó, chúng chỉ cần mang hoài bão, ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện hão nào của gia đình hay dòng tộc. Những đứa trẻ đó, có ưu khuyết, cần được định hướng để lựa chọn thứ phù hợp với bản thân, không cần phải trở thành một siêu nhân để giỏi đều tất cả các môn học. Điều mà tôi tin rằng ngay cả thầy cô cũng không thể làm được...".

Chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch sau vài giờ đăng tải thu hút hơn 15 nghìn lượt like và gần 5 nghìn lượt chia sẻ. Rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm khi đọc lá đơn.

"Bản thân em cũng từng bị áp lực từ việc học tập một cách ghê gớm, chẳng phải gia đình tạo ra áp lực cho em một cách trực tiếp mà bản thân em tự gây áp lực cho mình. Nếu không đậu đại học thì người ta đánh giá ba mẹ, ba mẹ không vui thì lại đặt sự áp lực lên em. Vậy nên em âm thầm chịu rồi tự dồn nén mọi thứ vào mình còn hay hơn để ba mẹ phải suy nghĩ.... Nếu sau này có con có cháu, em chỉ muốn nó được làm những điều chúng thích, tạo điều kiện để chúng phát huy sở trường, sống là để hưởng thụ, chứ đâu phải bị ép làm những điều mình không muốn. Điều ước nhỏ nhoi mong người lớn hay bỏ qua áp lực từ xã hội mà thương lấy con em mình", bạn Huyền Phạm bình luận.

Bạn Hoàng Phương chia sẻ: "Cảm ơn tác giả về bài viết. Phải chi chỉ cần được học những thứ áp dụng được, và được nhắc đi nhắc lại những điều quan trọng, có lẽ là mỗi năm một lần là đủ rồi. Thay vì nhồi nhét, hãy dạy tụi nhỏ đam mê tự học, tự tìm tòi có lẽ sẽ hay hơn".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: "Tôi không muốn gửi gắm một thông điệp gì lớn lao qua bài viết này mà chỉ muốn thông qua đó, người đọc sẽ tự có cảm nhận riêng. Lá đơn được tôi viết dựa trên những câu chuyện thực tế từng được nghe, kể, chứng kiến. Có những bà chị có con hay than thở với tôi về chuyện đầu tắt mặt tối cho con đi học, hay chị từng hoảng loạn khi đọc được nhật ký của con mình có nói là muốn tự tử... Tôi đã tổng hợp lại và thể hiện nó dưới dạng một lá đơn như thế".

Theo iOne

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Đơn xin cho con tôi học dốt" của nhà văn trẻ gây sốt tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.