Theo kế hoạch dự kiến, kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra trong hai ngày 7/7 và 8/7. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo) đã được tiến hành đúng tiến độ. Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát để công bố trong tháng 3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020.
Chia sẻ thêm về đề thi năm nay PGS-TS Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh về đề thi, ông Khánh cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thay thế kỳ thi THPT quốc gia trước đây với 3 mục tiêu cơ bản: xét tốt nghiệp, có dữ liệu đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo kiến thức kỹ năng và sử dụng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào ĐH. Do vậy, đề thi sẽ dựa trên chương trình giáo dục phổ thông, phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp. Cấu trúc và mức độ đánh giá đề thi giữ ổn định cơ bản so với năm ngoái.
Trao đổi với PV cô Hoàng Tố Nga (giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT Cầu Giấy) chia sẻ: “Đối với riêng môn Ngữ Văn thì các tác phẩm có sự sắp xếp theo tiến trình ở lớp 11 và lớp 12. Đợt dịch năm nay cũng không rơi vào khoảng thời gian học các tác phẩm trọng tâm của bộ môn Ngữ Văn. Vậy nên với việc học và ôn tập các tác phẩm chuẩn bị cho kỳ thi của học sinh không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ ảnh hưởng một chút đến phần các thao tác lập luận mà học sinh được học ở lớp 11. Vì học online nên các em không được thực hành nhiều và thực hành có hiệu quả bằng việc học trực tiếp. Theo tôi thì ban ra đề môn Văn sẽ tính toán hợp lý về những phần giảm tải nên học sinh có thể yên tâm ôn thi”.
Cô Chu Thị Sen (giáo viên trường THPT Hồng Thái, huyện Đan Phượng) cũng bày tỏ quan điểm học sinh lớp 12 năm nay gặp nhiều khó khăn hơn so với học sinh các năm trước, khi phải trải qua quãng thời gian nghỉ dịch và học online ở cả 2 năm học cuối cấp. Trong khi đó, ở nhiều bộ môn thì những kiến thức lớp 11 là nền tảng để các em tiếp thu kiến thức trong năm học lớp 12.
“Ngoài ra theo tôi, một khó khăn nữa mà các học sinh tốt nghiệp năm nay sẽ gặp phải là số lượng thí sinh tham gia kỳ thi đông, bao gồm cả những thí sinh thi lại vì không đủ điểm đỗ vào những trường mong muốn. Bởi năm ngoái có những trường tăng điểm chuẩn tới 3 - 4 điểm.” - Cô Sen cho biết thêm.
Không thể phủ nhận dịch Covid19 đã gây ảnh hưởng, gián đoạn rất lớn đến việc dạy và học nhưng cả các thầy cô vẫn dự đoán đề thi năm nay sẽ tăng độ khó hơn so với năm ngoái. Điều này khiến điểm số của các em sẽ được phân khúc rõ ràng giúp các trường Đại học chọn những thí sinh đáp ứng yêu cầu của mình.
Bạn Chu Quỳnh Trang (THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ: “Nếu độ khó của đề thi giảm quá nhiều thì mức phân hóa của đề sẽ không rõ, những bạn học khá sẽ băn khoăn trước mức điểm để vào các trường tốp đầu. Nên mình nghĩ vẫn nên có những câu khỏi khó cho 9, 10 điểm để có thể đánh giá chính xác năng lực của thí sinh”.
Cùng ý kiến với Quỳnh Mai, Tùng Lâm (Thái Bình) cho biết: “Mình nghĩ là đề khó thì sẽ khó chung, dễ thì dễ chung nên cũng chỉ biết ôn tập thật tốt theo sát cấu trúc đề để có thể hoàn thành tốt kỳ thi sắp tới, mình cũng rất mong Bộ sẽ sớm công bố đề tham khảo để chúng mình có hướng ôn tập”.
Lo lắng trước kỳ thi là tâm lý chung của các teen 2k3 năm nay bởi Bộ GD - ĐT đã có nhiều thay đổi trong lịch thi cũng như đăng kí thay đổi nguyện vọng. Đó có thể là điều kiện thuận lợi cũng có thể là điều khiến các bạn băn khoăn hơn sự lựa chọn của mình. Nhìn chung đa số các bạn học sinh đều mong đề thi sẽ giữ cấu trúc ổn định so với năm trước và có độ khó vừa phải để có thể đạt được kết quả tốt nhất.