Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định rằng trẻ em mắc Covid-19 hầu hết đều có thể điều trị tại nhà nên phụ huynh không cần quá lo lắng. Ngoại trừ trường hợp không thể cách ly tại nhà mới phải cho con vào viện.
Tuy nhiên, dù điều trị tại nhà nhưng vẫn có một số trẻ (chiếm tỷ lệ rất nhỏ) có nguy cơ bệnh trở nặng cần nhập viện theo dõi. Theo bác sĩ Khanh, những trường hợp đó thuộc nhóm trẻ thừa cân, có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, tiểu đường, bại não, ung thư,...
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần bình tĩnh khi phát hiện con mắc bệnh để tiến hành chăm sóc như lúc trẻ ốm thông thường. Trẻ mắc Covid-19 sẽ nhanh hồi phục và nhanh hơn người lớn rất nhiều. Chính vì vậy đòi hỏi người lớn cần có một tâm lý vững vàng. Nếu trẻ có những dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
1. Thở mệt
Trẻ bị mắc Covid-19 khi có những dấu hiệu ho, sốt, thở mệt,... giống như viêm đường hô hấp thì theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, dấu hiệu thở mệt là dấu hiệu nghiêm trọng nhất. Phụ huynh cần cho con đi khám sớm nếu con không ăn, không chơi được.
Trẻ em khi thở mệt thường không giống người lớn, trẻ sẽ không chơi được và ngược lại. Ngoài ra, trẻ xuất hiện dấu hiệu thở mệt thì cũng không thể ăn được. Còn nếu ăn được sẽ không xảy ra chuyện thở mệt. Trẻ vẫn ăn được, chơi được là ở ngưỡng an toàn.
2. Thở nhanh hơn bình thường
Bác sĩ Khanh khuyên rằng, cha mẹ nên tập đếm nhịp thở của con khi con bị nhiễm bệnh. Nếu nhanh hơn mức bình thường, trẻ có dấu hiệu li bì, lừ đừ có thể con đang chuyển biến nặng. Hãy cho trẻ đi thăm khám sớm là cách làm tốt nhất lúc này. Tuyệt đối không chủ quan khi tự chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà.
3. Mức độ ăn nhỏ hơn 1/3 so với bình thường
Khi cho trẻ em, phụ huynh cần chú ý theo dõi mức độ ăn của con. Ví dụ như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ăn kém hơn 1/3 so với bình thường có nghĩa là con có thể mắc bệnh nặng. Cha mẹ lúc này cần cho con đến viện thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
4. Không ăn, không chơi sau khi hết sốt
Khi mắc Covid-19, trẻ bị lên cơn sốt thường sẽ ăn kém, chơi kém do cơ thể mệt. Thậm chí, nhiều trẻ còn không tha thiết gì những việc này. Nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn khi đã hết sốt thì đó lại là dấu hiệu nguy hiểm. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, cha mẹ hãy thận trọng nên đưa con đi khám sớm để xác định rõ lý do.
5. Sốt cao kéo dài, nôn ói, đau đầu
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đặc biệt nhấn mạnh, ông không sợ trẻ bị Covid-19 mà sợ trẻ đã bị nhiễm bệnh khác nên mới xuất hiện dấu hiệu này. Khi hai bệnh cùng chồng lên nhau mới dễ chuyển nặng. Ví dụ như trẻ bị kèm sốt xuất huyết sẽ có thể sốt trên 48h và sốt rất co. Dấu hiệu nôn ói, đau đầu có thể là bị viêm màng não. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
6. Chỉ số SpO2 < 95%
Quá trình đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), điều cần ghi nhớ là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có chỉ số cao hơn người lớn. Vị chuyên gia này khuyến cáo, khi SpO2 ở trẻ dưới 95% cần phải cẩn thận và cần đến sự can thiệp kịp thời của y tế. Nếu từ 95% trở lên thì yên tâm điều trị cho trẻ tại nhà.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến cách đo sao cho chuẩn xác. Do ngón tay của trẻ nhỏ nên khi đo có thể không chính xác như người lớn. Lúc này, phụ huynh cần căn cứ thêm dấu hiệu khác như trẻ vẫn ăn vẫn chơi bình thường dù chỉ số thấp cũng không đáng lo ngại.
(theo aFamily)