Giờ học đạo đức "lấy nước mắt" bằng...sự ân hận, nên chăng?

Nguyễn Hà
Trong các chuyên đề đạo đức, nhiều chuyên gia đã có bài học về lòng biết ơn, sự hy sinh của cha mẹ…lấy đi nước mắt của học sinh.

Những buổi sinh hoạt như vậy thường tạo ra cơ hội giao lưu, rèn luyện về kỹ năng sống cho các bạn học sinh. Nhiều bậc phụ huynh, nhà trường đồng tình với những bài học này. Bởi trước những chia sẻ của diễn giả, các bạn học sinh đã ý thức thức sâu sắc hơn về ý nghĩa cuộc sống, về tình yêu thương sẻ chia. Trước thực trạng vô cảm của giới trẻ, thiếu quan tâm tới bạn bè, mọi người xung quanh thì việc dạy đạo đức bằng cách diễn thuyết là rất đáng hoan nghênh. Hình ảnh các bạn học sinh rơi lệ trong buổi sinh hoạt đã không còn lạ lẫm.

Thế nhưng có phụ huynh và chuyên gia lại chỉ ra ảnh hưởng không mấy tích cực tới tâm lý của các bạn học sinh từ những bài học như thế.

Các bạn chỉ thay đổi được thời gian rồi lại như cũ

Cô Phạm Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) có chia sẻ: "Sau khi tham gia buổi diễn thuyết, khi về nhà con tôi có chút thay đổi, không để mẹ nhắc nhiều về việc sắp xếp đồ đạc cá nhân, tự giác hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian là bạn ấy lại trở lại như cũ".

Lý giải vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học ĐHSP Hà Nội) cho biết: "Cha mẹ và con cái là mối quan hệ 2 chiều, thông thường, mọi hành động của các bạn đều do cha mẹ tạo dựng. Cha mẹ có thay đổi thì các bạn mới thay đổi. Những cách dạy con của cha mẹ sẽ tạo ra thói quen, tính cách cho trẻ em.

Đồng thời, đôi khi vì những biểu hiện gì đó của các bạn mà cha mẹ cũng phải thay đổi cách thức dạy con. Như vậy, rõ ràng đây là mối quan hệ 2 chiều và muốn một bên thay đổi thì bên kia chắc chắn phải thay đổi.

Điều này sẽ không xảy ra sau 1 buổi học mà các bạn học sinh khóc cạn nước mắt vì cảm xúc ân hận. Cha mẹ hài lòng vì con bật khóc nên nghĩ con sẽ ngoan ngay ngày hôm sau.

Thực tế, đúng là các bạn cảm thấy cần phải thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi kiểu gì, các bạn lại không hề biết. Các bạn không biết phải làm sao để không bất hiếu với cha mẹ, không khiến mình phải cảm thấy ân hận, tội lỗi, thấy mình vô ơn với những người sinh ra mình"

Thông tin từ tờ Dân trí, cô Trần Thị Dung, phụ huynh có con học THCS ở TP.HCM chia sẻ: cô hoảng hồn khi được đến dự một chuyên đề dành cho học sinh toàn trường mà diễn giải nói xong là các bạn… đau khổ, xấu hổ, nước mắt nghẹn ngào về lỗi lầm của mình. Dù bản thân cô cũng muốn dạy con nghe lời nhưng không muốn con mang cảm giác tội lỗi vì những lỗi lầm của mình hay phải mang ơn bố mẹ, thầy cô mà “đến khi họ chết, các em đã làm được gì trả ơn họ?”.

Cô Dung cho rằng, những bài nói chuyện khai thác lỗi lầm và cảm xúc đang gây tổn thương trẻ, làm các bạn mất đi lòng tự tôn, lúc nào cũng mang cảm giác hối hận, tội lỗi.

Những bài giảng "lấy nước mắt" dễ tác động tới tâm lý tuổi teen

Sau một vài biểu hiện cố gắng thay đổi, teen chúng mình lại rơi vào trạng thái bối rối và cảm thấy hoang mang, không biết phải làm sao đặc biệt khi cha mẹ vẫn cư xử như cũ. Chính vì thế, chúng mình lại quay lại cách sống ngày trước.

Ngoài ra, cũng không loại trừ việc có những bạn cảm thấy bất lực với bản thân sau bài nói chuyện "đẫm nước mắt". TS. Hương cho biết: "Nhiều bạn thấy mình thật tồi tệ, xấu xa, gây ra cho cha mẹ quá nhiều điều phiền lòng. Các bạn có thể tự ti, thu mình lại và chán ghét mọi thứ. Cũng có bạn sẽ trở nên bất cần kiểu: tôi tồi tệ thế đó, kệ tôi.

“Giáo dục đạo đức không cần và rất không nên đến từ cảm giác ân hận, tội lỗi. Đạo đức là 1 chùm các thái độ và hành vi. Điều chỉnh dần dần từng thứ nhỏ sẽ hình thành được nhân cách những con người chân chính”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

 Ngọc Hà (Tổng hợp)

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Giờ học đạo đức "lấy nước mắt" bằng...sự ân hận, nên chăng? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác