Góc quan ngại: Trái Đất đang tối đi với tốc độ đáng kể

Minh Hồng
Nhóm nghiên cứu tại Đài quan sát Mặt trời Big Bear ở California, Mỹ vừa có phát hiện gây chấn động về tình hình Trái Đất trong những năm gần đây.

Trong suốt 20 năm qua, các nhà khoa học tại Đài quan sát Mặt trời Big Bear ở California, Mỹ đã thực hiện các phép đo mỗi đêm nhằm nghiên cứu chu kỳ của Mặt Trời và độ che phủ của mây. 

Cụ thể, họ sẽ quan sát hiện tượng “Ánh đất” (Earthshine) - ánh sáng mà Trái Đất phản xạ lên phần tối của Mặt Trăng, rồi phản chiếu trở lại. Hiện tượng “Ánh đất” này thay đổi mỗi đêm và theo từng mùa.

Góc quan ngại: Trái Đất đang tối đi với tốc độ đáng kể - Ảnh 1
Hiện tượng "Ánh đất" là hiện tượng ánh sáng mà Trái Đất phản xạ lên phần tối của Mặt Trăng, rồi phản chiếu trở lại

Là một trong những nhà khoa học có mặt tại Đài quan sát Mặt trời Big Bear, nhà nghiên cứu Philip Goode từ Viện Công nghệ New Jersey giải thích: “Nhờ hiện tượng ánh đất, bạn có thể nhìn thấy hình dạng của cả Mặt Trăng khi nhìn vào vầng trăng khuyết”. 

Sau 20 năm mệt mài quan sát, Goode và nhóm nghiên cứu phát hiện hiện thực chấn động: “Phản xạ ánh sáng của Trái Đất đang ngày càng giảm. Điều này khiến chúng tôi bất ngờ”

Cụ thể, so với 20 năm trước, Trái Đất hiện đang phản xạ ánh sáng ít hơn khoảng nửa watt trên mỗi mét vuông, tương đương giảm 0,5% độ phản xạ. Khoảng 30% ánh sáng Mặt Trời chiếu vào Trái Đất được nó phản xạ lại.

Góc quan ngại: Trái Đất đang tối đi với tốc độ đáng kể - Ảnh 3

Trong 17 năm đầu tiên quan sát, dữ liệu về độ phản xạ gần như không thay đổi khiến các nhà khoa học từng có ý định hủy bỏ nghiên cứu này. Nhưng ba năm cuối họ đã ghi nhận sự khác biệt lớn về độ sáng trên Trái Đất.

“Thực ra sau 17 năm chúng tôi đều cảm thấy nản lòng và miễn cưỡng tiếp tục công trình nghiên cứu trong 3 năm tiếp theo vì đã thống nhất lấy dữ liệu trong 20 năm. Nhưng kết quả cuối cùng thật đáng kinh ngạc. Phân tích dữ liệu trong 3 năm qua cho kết quả khác biệt lớn: độ phản xạ của Trái Đất giảm rõ rệt. Chính vì vậy chúng tôi nghĩ những năm qua chúng tôi đã làm sai tại bước nào đó. Nhưng sau vài lần thử lại, kết quả vẫn không thay đổi”, ông Goode nói.

Nhóm nghiên cứu nhận ra việc Trái Đất giảm phản chiếu ánh sáng không liên quan đến Mặt Trời. Điều này cho thấy, nguyên nhân xuất phát từ một điều gì đó trên Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết khi độ che phủ của mây giảm, ánh sáng Mặt Trời sẽ chiếu vào sẽ nhiều hơn. Ở các bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mỹ, lượng mây che phủ giảm nhiều nhất. Tại đây, nhiệt độ nước biển đang tăng lên do sự đảo ngược của Dao động suy đồi Thái Bình Dương (Pacific Decadal Oscillation -PDO), nhiều khả năng có liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Goode cho biết: "Các đám mây ở vùng thấp ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Mỹ đã biến mất khiến ánh sáng Mặt Trời chiếu vào nhiều hơn. Sau những gì quan sát được, chúng tôi nhận ra độ phản xạ của Trái Đất đã giảm xuống”.

Góc quan ngại: Trái Đất đang tối đi với tốc độ đáng kể - Ảnh 2
Độ che phủ của mây trên Trái Đất đang giảm dần 

Trái Đất mờ dần thì sẽ hấp thu năng lượng Mặt Trời nhiều hơn. Điều này có tác động đến khí hậu trong tương lai, đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu do con người gây ra. Sự biến đổi khí hậu kéo theo nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người cũng như sự phát triển kinh tế.

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Góc quan ngại: Trái Đất đang tối đi với tốc độ đáng kể tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác