Hà Nội: Tranh cãi việc trồng cây phong lá đỏ tại một số tuyến phố

ngochiep
Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc cây phong lá đỏ đang được trồng tại một số tuyến phố ở Hà Nội, bới đây vốn là loài cây hàn đới và ưa lạnh, liệu thời tiết Hà Nội có phù hợp để cây sinh trưởng và phát triển?

Hiện nay, có hơn 100 cây phong lá đỏ đã được trồng tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng. Mỗi cây có chiều cao khoảng 7m và có đường kính khoảng 20 - 25cm. Trong thời gian tới, việc trồng phong lá đỏ sẽ được tiến hành ở đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ. 

Đây là loại cây vốn là cây ưa lạnh, hay rụng lá, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội đang trồng cây theo kế hoạch chứ chưa trồng theo quy hoạch. Trước đó, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, khí hậu Việt Nam rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu những giống cây, hoa mới trên thế giới. Thành phố đang phối hợp với một doanh nghiệp xây dựng vườn ươm giống cây, hoa để đáp ứng nhu cầu của thành phố cũng như xuất khẩu. 

Rất nhiều người dân Thủ đô tỏ ra khá bất ngờ. Nhiều người bày tỏ sự phấn khích, tò mò bởi cây phong lá đỏ vốn là cây hàn đới, lá có màu sắc đẹp, ưa sống ở các nước có khí hậu lạnh thì nay lại được trồng giữa Thủ đô.

Cây phong được trồng ở dải phân cách giữa phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng.

"Đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước châu Âu thấy cây này rất đẹp. Tôi không kỳ vọng cây trồng ở Thủ đô sẽ đẹp như ở các nước nhưng chắc chắn mùa đông ở Thủ đô Hà Nội mà có cây này sẽ rất lãng mạn", cô Nguyễn Thị Huyền, một người dân sống trên phố Nguyễn Chí Thanh chia sẻ với báo Người Đưa Tin.

Cô Ngọc (một người dân Hà Nội) phấn khích bày tỏ: "Những thành phố ở châu Âu vào mùa thu tràn ngập sắc đỏ của cây phong nhìn rất đẹp và lãng mạn. Việt Nam là xứ nhiệt đới, trước đây không trồng được cây này, giờ nhờ tiến bộ của khoa học lai tạo được để có thể trồng mà vẫn mang màu sắc thì đó là điều vô cùng tuyệt vời. Ngày xưa, muốn ngắm tôi còn phải vào mãi Đà Lạt, giờ thì Hà Nội cũng có, đó là điều rất đáng mừng".

Sắc đỏ lãng mạn của cây phong tràn ngập trên các con phố Châu Âu.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến người dân lo lắng cho rằng, việc trồng phong lá đỏ ở dải phân cách đường là không phù hợp, gây cản trở giao thông. một người dân Hà Nội lo lắng: "Cây phong lá đỏ thường được trồng ở những con đường đi bộ vắng vẻ, không trồng ở những đường có mật độ giao thông cao như Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh… bởi mùa thu lá rụng nhiều sẽ ảnh hưởng tới giao thông. Hơn nữa, lá cây này to khi rụng xuống sẽ gây tắc cống".

Nói về vấn đề này, các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chia sẻ với báo Lao Động, ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) bày tỏ: "Thực tế, Việt Nam đã trồng nhiều cây ôn đới như cây bách tán, trắc bách diệp, bụt mọc…. Bên cạnh đó, Hà Nội đưa cả một số cây như cây bàng lá nhỏ, cây ở Malaysia trồng đại trà đường Võ Nguyên Giáp.

Trước đây, tôi cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đưa 10 loài cây ở rừng về Việt Nam trồng, nhưng thực tế một số loài cây không thích nghi được thì phải bỏ. Ở các quốc gia, cây phong lá đỏ ít trồng đường phố, chỉ trồng công viên, vườn hoa. Tôi thấy trồng cây phong lá đỏ ở đường phố hơi vô duyên."

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp được trồng năm loại cây trên dải phân cách giữa.

Theo VnExpress đưa tin, Chuyên gia Lâm nghiệp Đoàn Diễm cho rằng: "Cây phong khó thích nghi với xứ nhiệt đới. Mùa đông cây không có vấn đề gì, song mùa hè thì "chịu sao nổi" trên đường phố Hà Nội.  Nhiều cây nhiệt đới trồng trên đường phố còn bị chết, phong lá đỏ rất khó tồn tại lâu dài ở Hà Nội".

Theo ông, hiện nay chưa có tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại vùng đô thị như Hà Nội. Bất kỳ loại cây đô thị nào cũng cần được thử nghiệm của cơ quan khoa học. Vì thế, thành phố nên thử trồng cây ở công viên để đánh giá mức độ thích nghi. Tốt nhất là trồng phong trong công viên vì sẽ mát hơn ngoài đường phố và mọi người có thể thưởng ngoạn.

Hàng trăm cây phong lá đỏ đang được trồng trên đường phố Hà Nội.

Cũng theo VnExpress, trái ngược ý kiến với chuyên gia Lâm nghiệp Đoàn Diễm, GS.Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam lại  tin rằng phong lá đỏ sẽ thích nghi khí hậu Hà Nội giống như các tỉnh phía nam Trung Quốc. Mục tiêu của Hà Nội là có thêm nhiều loại cây màu sắc rực rỡ trên đường phố. Loại phong lá nhỏ bằng lòng bàn tay có tán đều, cao 5 - 6m rồi tản ra, sẽ vừa là cây bóng mát, vừa trang trí đường phố. Nhiều đường phố ở nước ngoài trồng ba hàng, Hà Nội chỉ trồng một hàng do ít đất.


GS.Nguyễn Lân Hùng cho rằng phong lá đỏ sẽ thích nghi tốt với khí hậu Hà Nội.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đã trồng được khoảng 500.000 cây. Ngoài phong, các loại cây mới được đưa vào trồng như sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, chiêu liêu, long não, giáng hương...

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Tranh cãi việc trồng cây phong lá đỏ tại một số tuyến phố tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.