Học sinh Sa Pa "tìm chữ" trong giá rét như thế nào?

Phan Thoa
Trong trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp, có tuyết rơi thì các trường học mới dừng việc dạy và học đối với học sinh tiểu học và THCS

Theo báo Nhân dân, để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa chỉ đạo các trường học thực hiện “ba cần”: kín gió, ăn uống nóng và ngủ ấm. Trước mùa đông, chính quyền các xã và nhà trường rà soát cơ sở vật chất lớp học, sửa chữa, tu bổ bảo đảm kín gió; trong những ngày nhiệt độ xuống thấp tăng cường thêm quạt sưởi điện, lò đốt than hoặc đốt củi để sưởi ấm cho học sinh, nhất là đối với các xã vùng cao còn khó khăn. Mặt khác, tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị thêm quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, giày ủng cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo cô Nguyễn Thanh Nhạn, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa, toàn huyện, có hơn 18 nghìn học sinh các cấp học, trong đó, có hơn năm nghìn cháu ở độ tuổi mầm non. Đây là đối tượng rất dễ bị tác động tiêu cực của thời tiết rét đậm, rét hại. Nếu theo quy định của Bộ, khi nhiệt độ xuống dưới mức quy định (dưới 10 độ C) và của Sở (dưới 6 độ C), thì học sinh ở Sa Pa liên tục nghỉ học, vì đợt rét ở đây kéo dài thường xuyên mỗi khi đông đến, không có thời gian học bù. Vì vậy, thầy trò ở các trường phải “chung sống “ với rét hại, bảo đảm việc dạy và học ở địa phương.

Sa Pa là vùng “rốn rét” của tỉnh Lào Cai, với các xã trọng điểm là: Sa Pả, Trung Chải, Tả Phìn, San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Khoang… Ở đây, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Giáy… cuộc sống còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt rét hại kéo dài; vì vậy, duy trì sĩ số học sinh đến lớp là việc rất quan trọng. Trong trường hợp nhiệt độ xuống quá thấp, có tuyết rơi thì các trường học mới dừng việc dạy và học đối với học sinh tiểu học và THCS, còn các trường học mầm non chỉ nghỉ dạy ngoại khóa mà vẫn đón nhận các bạn nhỏ đến lớp nếu phụ huynh có yêu cầu, bởi các trường mầm non có cơ sở vật chất và điều kiện giữ ấm cho học sinh tốt hơn.

TTXVN cho hay, đến cuối buổi học ngày 24/11, theo thống kê của các phòng giáo dục hai huyện Si Ma Cai và Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), đã có 52 trường học với gần 14.000 học sinh phải nghỉ học tránh rét, do nhiệt độ các khu vực này xuống thấp, dao động từ 6-7 độ C.

Trước diễn biến nhiệt độ thời tiết ngày càng rét đậm rét hại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ra Công văn khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho học sinh, trong đó yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh căn cứ điều kiện từng vùng ở địa phương nơi có rét đậm rét hại, trường hợp không đảm bảo tổ chức hoạt động dạy học, Hiệu trưởng trường học báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học khi thời tiết ấm trở lại.

Trong những ngày học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại, các đơn vị phải có biện pháp hướng dẫn học sinh tự học ở nhà; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh để quản lý, đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời gian nghỉ học...

Chùm ảnh học sinh Sa Pa "tìm chữ" trong giá rét:

 

Minh Anh (tổng hợp)

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học sinh Sa Pa "tìm chữ" trong giá rét như thế nào? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác