Học sinh sẽ tiếp cận sách giáo khoa mới chậm nhất là hai năm tới

ngochiep
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, chậm nhất đến năm học 2020-2021.

Chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp Trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp Trung học phổ thông.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai đối với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm thứ ba với lớp đầu cấp trung học phổ thông. Hoàn thành quá trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới sau 5 năm kể từ năm bắt đầu triển khai.

Giải thích việc lùi chậm nhất hai năm, trong khi Chính phủ đề xuất lùi một năm so với Nghị quyết 88, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất là bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020. Nhưng có nhiều người đề nghị lùi hai năm vì thời gian qua các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng.

Căn cứ ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với hai phương án nêu trên. Kết quả 39,31% tổng số đại biểu quốc hội chọn lùi 1 năm; 42,36% tổng số đại biểu Quốc hội chọn lùi 2 năm.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong điều hành của Chính phủ, đồng thời, không gây áp lực về thời gian, cân đối điều hành kinh phí hợp lý, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới, UBTVQH đề nghị Quốc hội đồng ý cho phép lùi thời gian và thực hiện phương thức triển khai cuốn chiếu tuần tự chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. 

Để các nội dung trên được thể hiện rõ ràng trong Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đề nghị đổi tên dự thảo Nghị quyết thành “Nghị quyết Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ”

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; đồng thời, bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định tại Nghị quyết này.

Ngọc Hiệp (Tổng hợp)

 

 

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Học sinh sẽ tiếp cận sách giáo khoa mới chậm nhất là hai năm tới tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Sức mạnh của đoàn kết

Báo TNTP&NĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết: "SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT" của bác Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.