Báo Thể thao văn hóa cho hay, những đề xuất về giáo dục mang tính đột phá của TP.HCM nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó là hàng loạt các vấn đề như: Rút ngắn thời gian học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, học trực tuyến, tự công nhận tốt nghiệp, tự biên soạn SGK,...
Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, với những đề xuất mới, học sinh có thể học ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Một trong những đề xuất mới của TP.HCM được dư luận quan tâm là hình thức giáo dục mới gần giống với đào tạo theo dạng tín chỉ, áp dụng từ THCS.
Việc áp dụng hình thức tín chỉ từ cấp THCS cho đến THPT, liên thông lên Đại học, sau Đại học sẽ giúp các em học sinh làm quen với phương thức học tập hiện đại này, tiết kiệm được thời gian học đối với những bạn có khả năng học nhanh, học giỏi, đáp ứng được yêu cầu kiến thức. Ngoài ra, UBND thành phố còn đề xuất những kiến thức các bạn đã học ở phổ thông thì không cần học lại khi lên Đại học.
Trao đổi với báo An ninh thủ đô, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, xu hướng chung trên thế giới là đang áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ ở cấp THPT.
“Tôi cho rằng việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS chưa phù hợp nhưng ở bậc THPT thì thế giới các trường đã thực hiện. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để liên thông được giữa bậc đại học và phổ thông vì tín chỉ không có nghĩa là chia nhỏ các môn học thành từng phần mà phải là những phần kiến thức mà bậc đại học chấp nhận để không phải học lại. Điều này chỉ khi có phương án thật cụ thể, chi tiết về cách tính tín chỉ cho học sinh như thế nào, điều kiện, cơ sở vật chất, cách tổ chức, quản lý thế nào thì mới có thể triển khai” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Ông Đào Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn THPT Anhxtanh Hà Nội, giảng viên Đại học Bách Khoa cho rằng, việc học theo tín chỉ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Hiện nay, quy định “dàn hàng ngang” đang khiến cho học sinh giỏi phải đi chậm lại để chờ học sinh yếu.
Ngoài ra, việc cho phép học tín chỉ sẽ giải quyết bài toán chọn môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu được như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự uyển chuyển, linh hoạt trong lớp học.
Được biết, đến quý II năm 2018 TP.HCM sẽ sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương, đồng thời báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Nếu được Chính phủ thông qua sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019 - 2020 và tất nhiên sẽ không áp dụng đại trà ngay mà thí điểm ở một số cơ sở giáo dục có đủ điều kiện trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền tự nguyện đăng ký của học sinh.
Minh Anh (tổng hợp)