"Kẹo mút cần sa" - Kỳ cuối: Ẩn họa ăn vặt ngoài cổng trường

Đinh Mai
Có một thực tế đáng buồn là, sô-cô-la và kẹo mút cần sa chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm, món đồ ăn uống độc hại đang được bày bán bên ngoài cổng các trường học.

Nhóm phóng viên chúng tôi đã tới những hàng quán và vỉa hè xung quanh trường học để ghi nhận tình trạng các thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán công khai cho học sinh.

Dạo qua các cổng trường học ở quận Ba Đình, Cầu Giấy và Thanh Xuân…, chúng tôi nhận thấy, trước mỗi cổng trường đều có không dưới… chục hàng quà vặt, xe bán rong vỉa hè. Trong đó, nhiều nhất phải kể tới các loại xiên que như: nem chua, xúc xích, thịt xiên nướng, pho-mai que…v.v Tất cả được chiên/rán trong những chiếc nồi, chảo mỡ đen xì, cáu cạnh với giá cả rất… học sinh: chỉ 2.000-2.500 đồng/1 xiên. 

Mỗi lần có những học sinh ghé mua, người bán bắt đầu thả đồ ăn vào trong các chảo mỡ nhìn chẳng mấy “cảm tình” đó, chiên/rán qua cho nóng lên rồi đặt vào những chiếc ly nhựa nhỏ (được làm bằng nhựa tái chế), bên trong đựng sẵn một chút tương ớt hoặc tương cà cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ để chấm ăn kèm.

 

Nắm bắt được tâm lý của các học sinh là không có nhiều tiền để mua đồ ăn vặt, chưa kể thời gian nghỉ giữa giờ hoặc tan học đói, người bán đã tung ra thật nhiều mặt hàng quà vặt “phong phú”, hình thức bắt mắt, nhưng đều không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay nguồn gốc xuất xứ. Người bán hàng chẳng dùng dụng cụ vệ sinh như găng tay mà thản nhiên xiên từng viên thịt, cá vào xiên ở ngay bên vệ đường, thậm chí là còn ở ngay cạnh cống thoát nước.

Cô B.H – một phụ huynh có con học tại trường tiểu học ở Quận Thanh Xuân cho biết: “Vì lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tôi dặn con không được mua những xiên que bày bán ngoài cổng trường. Tuy nhiên, trẻ con mà – chúng rất thích ăn những thứ đó, khi đón con, tôi cố gắng dỗ dành là nếu con muốn ăn, về nhà mẹ sẽ làm cho con ăn nhé. Nhưng bạn bè cháu thì có rất nhiều đứa mua, chúng ăn ngon lành, mà rẻ lắm, chỉ vài ngàn một xiên thôi thì phải!”.

Thế nhưng một phụ huynh khác đành lòng cho phép con mình ăn vì chót hứa nếu con được điểm cao trong bài kiểm tra: "Tôi cũng có đọc trên mạng về thực phẩm bẩn, nhưng hôm trước có hứa với cháu là nếu được điểm cao sẽ cho bạn ấy ăn que xiên ở trường. Cũng không hiểu sao mà con trẻ lại thích ăn loại đồ ăn này thế, nhưng thôi ăn một hôm chắc cũng không sao".

Cứ hễ tiếng trống trường tan học vang lên như là một thời điểm "vàng" cho quán hàng ăn vặt hoạt động. Kế bên những gánh hàng que xiên là hàng tạp hóa, bán đủ loại đồ ăn vặt xanh đỏ, các bạn học sinh rất hứng thú với những đồ ăn như bim bim, kẹo bánh được tẩm ướp gia vị. In lên bì ni-lông của những món quà vặt là chi chít chữ Trung Quốc, hạn sử dụng cũng không rõ ràng. 

 

Những món quà vặt này được bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ khoảng 2000 - 5000 VNĐ là các bạn đã được sở hữu "đùi gà quay", "thịt hổ"...

Vào cuối tháng 3/2018, một bạn học sinh ở Lai Châu đã được các bác sĩ thăm khám và kết luận bị dị ứng sau khi ăn kẹo không rõ nguồn gốc, được cho là mua tại cổng trường. 3 loại kẹo mà bạn học sinh này sử dụng có nhãn mác khác nhau, bao gồm: Dẻo cuộn 6 mùi, ChupaChups và một loại trên nhãn toàn chữ Trung Quốc.

Những loại siro đủ vị, cứ nằm im trong lọ từ ngày này qua ngày khác chờ khách hàng nhỏ tuổi tới mua, mà chẳng biết khi nào mình được xử lý. Lúc khách hàng chưa tới thì chỉ thấy ruồi, nhặng ghé qua.

Đồ ăn vặt đã vậy, ngay cả thức uống bên ngoài cổng trường cũng có những thứ rẻ đến bất ngờ như “Trà sữa Thái 10.000 đồng/1 cốc” hay coca-cola, nước hoa quả 5.000 đồng (???)... Tất nhiên, chất lượng của những loại đồ uống này cũng xứng đáng với giá tiền “hợp lý” được bán cho học sinh.

Chúng tôi căng mắt nhìn vào những bình đựng nước hoa quả và vị trà sữa được bày bán bên ngoài một cổng trường học trên địa bàn Hà Nội, thấy đủ vị nào là cam, dâu, táo, bạc hà… v.v. Tất cả được đựng vào những chiếc hũ thủy nhựa có nắp đậy sơ sài và thỉnh thoảng còn có vài chú ruồi bay “vèo vèo” qua. Những vị hoa quả và trà sữa phong phú này chính là “Trà sữa Thái” mà người bán giới thiệu, và chẳng ai biết hậu quả khôn lường mà loại đồ uống này mang lại cho các bạn học sinh.

Không chỉ được bày bán khắp cổng trường mà ngay chính trong trường học cũng xuất hiện nhiều loại đồ uống không hề tốt cho sức khỏe của các bạn nhỏ. Những đồ uống, nước có gas mang thương hiệu lớn cũng được bày bán trong căng tin trường. Thứ nước giải khát sắc màu luôn "hớp hồn" những cô cậu học sinh, bạn T.Đ.N học sinh trường THCS nằm tại quận Ba Đình hồn nhiên chia sẻ: "Bình thường mình ít khi ăn những đồ ăn ở cổng trường vì cô giáo thường nói nó rất bẩn và không rõ nguồn gốc. Nếu có thì mình chỉ ăn đồ trong trường thôi, mỗi giờ ra chơi có mua đồ uống. Ở trường mình có bán coca-cola, rồng đỏ, pepsi với giá 5000 VNĐ 1 cốc".

Tháng 12/2017, Thủ tướng Chính Phủ ra chỉ thị không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Bởi nước ngọt và những loại nước có gas hoàn toàn không mang lại giá trị dinh dưỡng. Chúng chủ yếu có đường và các hương liệu gây nên bệnh béo phì, thừa cân. Nước ngọt có gas thường mang lại cho người sử dụng năng lượng rỗng, tức là năng lượng không kèm theo đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất... Trẻ em sử dụng nhiều nước ngọt có gas sẽ có cảm giác no, nên không ăn được các bữa ăn chính. Ngoài ra, các loại nước tăng lực cũng nằm trong nhóm nước ngọt chứa nhiều caffein, là một loại chất kích thích không tốt đối với trẻ.

Thức ăn "bẩn", độc hại cứ thế bủa vây học sinh hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi. Các thầy cô giáo và pama cần hướng dẫn cho teen những loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe và giải thích cho các bạn nhỏ hiểu về nguyên nhân, tác hại và hậu quả của những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ để các bạn hiểu và hạn chế mua những thực phẩm này.

  

 Nhóm phóng viên TNTPO

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Kẹo mút cần sa" - Kỳ cuối: Ẩn họa ăn vặt ngoài cổng trường tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.