Kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 10 tấp nập chuyển trường

Nguyễn Hà
Chuyển trường sau khi kết thúc kỳ học đầu tiên của lớp 10 dường như trở thành một "chiêu" để học sinh được học trường như ý muốn và tiện di chuyển.

Tình trạng chuyển trường sau khi đỗ vào trường ngoài công lập của học sinh lớp 10 đã tái diễn nhiều năm gần đây. Bởi về nguyên tắc, quy định chung thì hết học kỳ 1 hoặc cuối năm học, phụ huynh học sinh có quyền chuyển trường theo nguyện vọng.

Một trường ngoài công lập có hơn 50 HS chuyển trường mỗi năm

"Đợt này, trường chúng tôi có hơn 10 học sinh xin chuyển trường, con số này đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm học sinh xin chuyển trường nhiều nhất là khi kết thúc năm học, có năm hơn 50 học sinh xin chuyển trường" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh thông tin với tờ Tuổi trẻ.

Tương tự, Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp cũng bức xúc: "Đến hẹn lại lên, cứ hết học kỳ 1 và hết năm học là học sinh lớp 10, 11 thi nhau xin chuyển trường. Tình trạng này không phải bây giờ mới xuất hiện, mà kéo dài nhiều năm nay".

Tại sao cứ thi đỗ lại xin chuyển?

Số lượng học sinh dự tuyển vào lớp 10 trường công lập thường vượt xa so với chỉ tiêu tuyển sinh. Như năm học 2017 – 2018, toàn TP Hà Nội dự kiến có gần 83 nghìn học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Như vậy chỉ có khoảng 70% học sinh Hà Nội có cơ hội được học trong các trường THPT công lập.

Theo thống kê năm học 2017-2018 TP.HCM có hơn 104.000 học sinh lớp 9, tăng gần 21.000 bạn so với năm học 2016-2017. Trong khi đó, theo định hướng phân luồng sau THCS, TP.HCM sẽ hạn chế số lượng học sinh vào lớp 10 công lập theo hàng năm. Bắt đầu từ năm ngoái, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%. Đến năm 2020, tỷ lệ học sinh theo học THPT công lập chỉ còn 70% tổng số học sinh lớp 9. Như vậy số học sinh lớp 9 không chỗ học lớp 10 công lập sẽ tăng dần hàng năm. Cơ hội trúng tuyển lớp 10 công lập càng khó khăn.

Vì thế để có thể tranh suất vào trường cấp 3 công lập, học sinh đã phải "đi đường vòng" bằng cách chuyển trường sau khi đã vào học một trường top dưới có cùng khu vực tuyển sinh.

Cũng bởi nhiều lý do khác, như phụ huynh và học sinh mong muốn con mình được rèn luyện ở ngôi trường "tốp đầu", năng lực của các bạn khác tốt hơn sẽ thúc đẩy con em mình học tập. Theo tờ Tuổi trẻ một giáo viên trường THPT Ernst Thälmann cũng chia sẻ: "Đa số các trường hợp đều xin chuyển về trường THPT khác có đầu vào cao hơn, nổi tiếng hơn, chứ rất ít trường hợp do chuyển chỗ ở. Có học sinh xin chuyển về một trường THPT cùng địa bàn quận chỉ cách trường tôi vài trăm mét".

Những ảnh hưởng tới tâm lý học sinh mỗi khi chuyển trường

Để ngăn chặn tình trạng chuyển trường “lách” chính sách này, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo có quy định thêm một số điều kiện. Trước đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ cấm các học sinh chuyển trường ở cấp THPT. Những trường hợp bất khả kháng do thay đổi địa bàn cư trú sẽ được xem xét, còn mọi trường hợp khác sẽ không được chấp nhận. Việc ra quyết định cho các học sinh chuyển trường ở bậc THPT sẽ do Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nắm giữ chứ không thuộc thẩm quyền của hiệu trường; phải căn cứ vào trường học sinh đang và sẽ chuyển về, xem xét khoảng cách thực tế học sinh đi học ở trường cũ khi có sự thay đổi về nơi cư trú

Như trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 ở trường THPT Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), phụ huynh học sinh đã phải ký bản cam kết không được chuyển trường trong vòng 3 năm.

 

"Lách" quy định để được học ở trường cấp 3 công lập không phải lúc nào cũng thành công và còn ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình các bạn học sinh. Do phải di chuyển hàng mấy chục cây số tới trường, sức khỏe không được đảm bảo sẽ không tập trung học tập tốt. Các thầy cô giáo thường đánh giá tư tưởng học tập, rèn luyện của các bạn học sinh dạng “học tạm” thường chểnh mảng, xao nhãng, ít hòa đồng với bạn bè, trường lớp, chỉ trông chờ đến hết học kỳ 1 hoặc cuối năm học là chuyển trường.

Ngọc Hà (Tổng hợp)

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 10 tấp nập chuyển trường tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.