Theo một thống kê trên ArchDaily, tỷ lệ nữ sinh biết chữ ở khu vực này chưa đến 32%. Học sinh nơi đây đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách khá xa trường học nên không thể tới trường. Do đó trường Rajkumari Ratnavati đã ra đời với một sứ mệnh đặc biệt là mang kiến thức tới cho các nữ sinh nơi đây. Ngoài ra GYAAN Center còn trang bị cho phụ nữ địa phương những kỹ năng, kiến thức để nâng cao trình độ học vấn, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề bất cập mà phụ nữ Ấn Độ đang phải đối mặt.
Trường Rajkumari Ratnavati là một phần nằm trong khu phức hợp GYAAN Center gồm 3 tòa nhà. Hình dáng độc đáo của ngôi trường này thiết kế bởi bàn tay tài hoa của kiến trúc sư người Mỹ Diana Kellogg và được ủy quyền bởi CITTA, tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ cộng đồng gặp khó khăn về kinh tế, địa lý.
Trường Rajkumari Ratnavati cũng là một tác phẩm mà kiến trúc sư Diana Kellogg đặt rất nhiều tâm huyết. Để có một nơi học tập phù hợp và gắn liền với những người dân nơi đây, nữ kiến trúc sư đã đến Ấn Độ để khảo sát tình hình và tham khảo nét đặc trưng của kiến trúc địa phương, từ đó truyền tải nó vào trong thiết kế của mình.
"Tôi không muốn áp đặt ý tưởng thiết kế của phương Tây. Tôi muốn tạo ra một tòa nhà nhiều ánh sáng, một công trình hòa quyện giữa tâm hồn con người và năng lượng tự nhiên để nuôi dưỡng và chữa lành cho phụ nữ và trẻ em gái ở Jaisalmer", bà Diana giải thích.
Theo kiến trúc sư Diana hình dáng bầu dục của ngôi trường giúp giảm khoảng cách giữa các khu vực trong tòa nhà. Phần giữa có thể tận dụng để làm sân chơi cho trẻ em đây là dạng kiến trúc điển hình trong văn hóa xây dựng nhà ở người Ấn Độ. Ngoài ra, hình bầu dục còn là trưng của người phụ nữ trong nhiều nền văn hóa và biểu tượng cho sự bền vững.
Tổng thể ngôi trường được xây bằng đá sa thạch, được thợ địa phương chạm khắc thủ công hoàn toàn. Do khí hậu nơi đây rất nóng, ngoài trời có thể lên tới 50 độ C mà đá sa thạch lại có thể giảm năng lượng khí thải và làm mát nó sẽ giúp làm mát cho học sinh khi phải học ở sa mạc khắc nghiệt. Hơn nữa trường Rajkumari Ratnavati không cần đến điều hòa nhiệt độ để làm mát bởi hệ thống lỗ thoáng khí trên tường đã giúp lọc cát, thoát nhiệt và giảm tác động của ánh sáng mặt trời.
Đồng phục của học sinh trường cũng được thiết kế riêng phù hợp với thời tiết và lối sinh hoạt của học sinh nơi đây. Sử dụng kỹ thuật truyền thống ajrakh để làm ra bộ đồng phục này, Nhà thiết kế thời trang người Ấn Độ Sabyasachi Mukherjee cho biết: "Nếu đồng phục của học sinh Ấn Độ đều liên quan văn hóa địa phương, nó sẽ trở thành nền tảng tuyệt vời để trao đổi văn hóa và thiết lập sự ổn định trong kinh tế", ông Sabyasachi nói với Vogue.
Theo kế hoạch, trường nữ sinh Rajkumari Ratnavati dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch đã lùi vào tháng 7/2021.
Theo: Dezeen, Ảnh: Vinay Panjwani