Làm cách nào để giữ cho bàn chân khỏi nhiễm trùng?

Thúy Quỳnh
Vào những ngày trời rét buốt, đôi chân của bạn rất dễ buốt lạnh, tình trạng bị khô nứt và nhiễm trùng là rất dễ xảy ra. Vậy làm cách nào để giữ cho bàn chân khỏi nhiễm trùng?

Mùa đông có thể gây ra nhiều vấn đề cho làn da của bạn, đặc biệt là với đôi chân. Trên thực tế, bàn chân bị nứt nẻ (nứt gót chân trong mùa đông) là một vấn đề phổ biến mà nhiều người phải chịu đựng. Nó được đặc trưng bởi da khô, cứng và dày xung quanh rìa của gót chân. Những người bị chàm, bệnh tiểu đường, hoặc người cao tuổi thường có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng này cao hơn.

Da trên bàn chân của chúng ta thường khô vì không có tuyến dầu ở da trên bàn chân. Khi chuyển sang thời tiết lạnh, thiếu dưỡng ẩm, độ ẩm thấp, da chân sẽ trở nên xấu hơn. Nếu cộng với thói quen đứng lâu hoặc mắc bệnh nào đó thì có thể tình trạng khô và nứt nẻ ở chân càng trầm trọng hơn. Không những làm mất tính thẩm mỹ, không chăm sóc đôi chân cẩn thận vào mùa đông còn có thể làm tăng nhiều nguy cơ phát triển bệnh khác, nhất là các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn dễ xâm nhập qua các vết nứt. Tuy nhiên, giữ cho bàn chân của bạn không bị nứt trong mùa đông cũng là việc không quá khó khăn. Dưới đây là những mẹo hàng đầu để giữ chân bạn khỏe mạnh, không bị nứt gót chân trong mùa đông này.

Ngâm nước ấm

Ngâm chân vào nước ấm ít nhất 1 lần/tuần có thể loại bỏ được lớp da cứng trên chân, giữ cho chân bạn khỏe mạnh và không có vết nứt quanh gót chân, đặc biệt là vào mùa đông.

Massage chân

Nếu bạn có xu hướng bị khô và nứt chân vào mùa đông, điều rất quan trọng là bạn thường xuyên xoa bóp chân với kem dưỡng ẩm. Việc này sẽ giúp làm mềm da và cải thiện lưu thông máu đến bàn chân tốt hơn.

Tẩy da chết cho chân bằng đường nâu

Các hạt đường nâu nhỏ này "làm việc" như là một bàn chải tuyệt vời cho đôi chân của bạn. Nó có thể dễ dàng tẩy bỏ các tế bào da chết để da trên bàn chân và giữ cho chân mềm mại, khỏe mạnh. Ngoài ra, đường nâu chứa axit glycolic có thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn rất tốt, nhờ đó sẽ giảm thiểu nguy cơ bị viêm hoặc nhiễm trùng ở chân.

Làm thế nào để giữ ấm đôi chân trong ngày đông?

Đi bộ nhiều hơn

Sự sống luôn đòi hỏi vận động, sức khỏe đôi chân cũng được tăng cường nếu nó được “tập thể dục” phù hợp. Y học hiện đại gọi đôi chân là “trái tim thứ hai”, có thể thấy tầm quan trọng của bộ phận “dưới cùng” cơ thể này.

Mùa đông, con người thường lười vận động hơn, tuy nhiên, vì sức khỏe, các chuyên gia khuyên bạn nên đi bộ nhiều hơn. Khi đi bộ, sự co giãn của cơ chân có thể tăng cường tốc độ lưu thông máu ở tĩnh mạch, làm giảm gánh nặng cho máu khi đi về tim, đảm bảo sự thông suốt cho tuần hoàn máu, đồng thời còn giúp các nguồn dinh dưỡng có thể thuận lợi đi đến mọi cơ quan trong cơ thể.

Luôn duy trì nhiệt độ cho chân

Đông y xưa có câu “Bệnh tật từ hàn mà ra, hàn lại bắt đầu từ chân”. Vì vậy, luôn duy trì nhiệt độ thích hợp cho đôi chân là một mắc xích quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật sinh ra từ chân. Nhiệt độ bình thường ở chân của một người khỏe mạnh là: Mũi chân khoảng 22 độ C, lòng bàn chân khoảng 28 độ C. Nếu hai con số này quá cao hay quá thấp đều có thể là tín hiệu của bệnh tật.

Khi đầu ngón chân bị lạnh bất thường, phần nhiều là bệnh ở đầu như đau đầu, mất ngủ, thiếu máu não… Khi gót chân lạnh buốt, đa số lại là biểu hiện của chứng thận hư. Nếu toàn bộ bàn chân đều lạnh, có thể tuần hoàn máu ở chi dưới gặp vấn đề, khí huyết hư. Do đó, bạn cần thường xuyên chú ý nhiệt độ ở chân để kịp thời thăm khám và điều trị.

Ăn nhiều thực phẩm có tính ấm

Những thức ăn có tác dụng làm ấm, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải tỏa mệt mỏi như thịt dê, hẹ, táo đỏ, gừng tươi.

- Thịt dê: Giàu protein, canxi, sắt, vitamin B1, B2, có tác dụng bổ sung dưỡng chất và nhiệt lượng đầy đủ trong mùa lạnh, giúp làm ấm cơ thể hiệu quả.

Bạn có thể chế biến thành các món: Canh thịt dê nấu hồ đào hay canh thịt dê với hải sâm.

Chú ý: Thịt dê không nên ăn chung với bí ngô, dễ gây vàng da hoặc mùi hôi ở chân.

- Hẹ: Trong hẹ có chứa nhiều carotene, vitamin B2…, có tác dụng làm khỏe dạ dày, giúp tinh thần tỉnh táo, làm ấm cơ thể.

Bạn có thể chế biến thành món: Hẹ xào tôm, trứng…

Chú ý: Hẹ không nên ăn chung với mật ong, dễ gây tiêu chảy.

- Gừng tươi: Giàu 6-gingerol, có thể kích thích bài tiết dịch dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, trong gừng còn chứa nhiều Essential oils, có lợi cho việc hấp thu cholesterol trong cơ thể người, đạt hiệu quả làm ấm trong mùa đông.

Bạn có thể chế biến thành món: Canh gừng tươi nấu táo đỏ với nguyên liệu gồm 10 quả táo đỏ, 5 lát gừng tươi, đường đỏ vừa đủ. Mỗi ngày dùng một lần là có thể tăng cường sức khỏe cho đôi chân và cả cơ thể.

Chú ý: Không dùng gừng đã xuất hiện vết thối rửa vì nó chứa độc tố, có thể gây ung thư gan, ung thư đường tiêu hóa.

Minh Phương (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Làm cách nào để giữ cho bàn chân khỏi nhiễm trùng? tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Bài tập mắt cho người cận thị

Thực hiện đều đặn các bài tập cận thị giúp lưu thông máu tốt hơn, tăng cường cử động nhãn cầu, thư giãn mắt, giảm nhức mỏi và hạn chế sự tiến triển của cận thị.