Lắng nghe và chia sẻ cùng teen với "Điều em muốn nói"

Bảo Bối
Diễn đàn “Điều em muốn nói” được kỳ vọng trở thành diễn đàn mở, để những tâm tư, những chia sẻ thầm kín sâu thẳm trong tâm hồn được chúng ta bày tỏ.

Ngày 17/5, tại trường THCS Giảng Võ (Ba Đình), Hội đồng Đội Trung ương, Báo Tiền phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”.

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn - Chủ tịch Hội SVVN; thầy Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT; cô Nguyễn Thị Nga - Phó Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong cùng nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo phòng GD&ĐT đến từ 30 quận, huyện, ban giám hiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt là sự có mặt của gần 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Giảng Võ.

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được kỳ vọng trở thành diễn đàn mở, để những tâm tư, những chia sẻ thầm kín sâu thẳm trong tâm hồn được học sinh nói ra và người lớn có cơ hội lắng nghe, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: Đại dịch thế kỷ đã tác động sâu sắc đến toàn nhân loại, nhiều giá trị bị đảo lộn, mối tương tác giữa con người và nhiều nhiều thói quen mang tính truyền thống đã thay đổi. Các em là những người cảm nhận rất rõ điều này. Đứng trước sự thay đổi bất ngờ đó, nhiều bạn đã thích ứng, thích nghi và chung sống tốt với hoàn cảnh mới. Nhưng thật đáng tiếc là cũng có rất nhiều học sinh đã cảm thấy chông chênh, bế tắc, đan xen nhiều cảm xúc thiếu tích cực, lệch lạc… Điều đó nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển trong tương lai của các em, và trong nhiều trường hợp, hệ quả tiêu cực đã xảy ra ngay tức thời.

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu khai mạc

Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh: "Tên gọi của diễn đàn mộc mạc và hồn nhiên như lứa tuổi học sinh. Chúng tôi rất muốn lắng nghe thật nhiều những chia sẻ thật, những điều thầm kín, những rắc rối, trở ngại và cả những bế tắc mà các em gặp phải trong cuộc sống, học tập, tình bạn, sức khoẻ, gia đình… Và không chỉ lắng nghe, tham dự diễn đàn còn có các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục, các nghệ sĩ, nhà văn, hoa hậu, bác sĩ… sẽ cùng trao đổi, gợi mở để chúng ta cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách lạc quan và tự tin bước về phía trước…".

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đại diện nhận 25 suất học bổng trị giá 150 triệu đồng do Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN Nguyễn Minh Triết trao tặng

"Những áp lực khi đi học thời nào cũng có"

Mở đầu phần chia sẻ của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi cho các bạn học sinh: Học giỏi có áp lực, học giỏi có khó? và nhận được câu trả lời áp lực đến từ việc học tập, phải học giỏi và thi cử.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thời nào cũng có áp lực, thời "mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực".

Ở lứa tuổi học sinh, điều quan trọng nhất là học tập. Học và học giỏi là điều không khó. Bí quyết của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời đi học là bỏ ra hai ngày cuối tuần để đọc hết sách giáo khoa của cả năm học, rồi trước mỗi buổi học đều tìm hiểu, chuẩn bị bài trước ở nhà nên có thể nhớ bài giảng của giáo viên ngay tại lớp.

"Có hai môn quan trọng Toán và Văn. Toán thì phải tìm được đáp số như vào ngôi nhà thì phải mở được cánh cửa. Muốn mở cửa phải có chìa khóa. Vậy chìa khóa của Toán là các định lý... Còn Văn, các em chỉ cần đọc sách. Bác Khoa chỉ có một bí kíp là đọc, đọc thuộc làu sách giáo khoa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị "sốc".

"Nếu thi đại học không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép lại nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.

Nhớ lại thời đội mũ rơm đến trường, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Thời đó, sách giáo khoa còn chưa đủ, ba người chung một cuốn. Sách giáo khoa hiện nay của các em đẹp hơn, đủ đầy hơn. Ngày xưa không có internet, các em hiện nay có thể tìm kiếm được nhiều thông tin bằng công nghệ.

Thời xưa chúng tôi đi học đơn giản lắm. Đi học chỉ có một cuốn sách nhét vào trong túi, đọc bài ngay tại lớp và có thời gian làm thơ, viết báo. Những gì không hiểu thì có thể hỏi các thầy cô và nhất là hỏi bạn học”.

Hãy mạnh dạn lên tiếng

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội, chia sẻ: "Tôi cho rằng diễn biến áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.

Áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình chung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.

Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.

Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ.

Áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải vượt sướng để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn. Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp.

Trong cuộc sống sẽ không ai thương mình bằng bố mẹ đâu, luôn yêu thương các con vô điều kiện. Nếu là áp lực từ phía nhà trường thì hãy chọn thầy cô nào mà mình thấy gần gũi nhất để mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình và các thầy cô sẽ căn chỉnh, hướng ta đến cái tốt đẹp hơn”.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà là khách mời tại diễn đàn “Điều em muốn nói”

Theo chị Lê Thị Thảo, phó Trưởng tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, vừa qua, trong thời gian học online, số cuộc gọi liên quan đến rối loạn sức khoẻ tâm thần tăng ở lứa tuổi từ 11 đến 14 tuổi gấp rưỡi so với trước. Đa số các bạn chia sẻ về những vấn đề gặp phải với bố mẹ và áp lực học hành, thi cử. Từ thời điểm các em được đi học trực tiếp, số lượng cuộc gọi này đã giảm đi đáng kể.

NSƯT Xuân Bắc đã có nhiều câu trả lời thú vị khiến học sinh thích thú

Ngoài ra, cần phát triển Phòng Tham vấn tâm lý học đường cho tất cả các trường, đặc biệt là những trường công lập. Bên cạnh đó, nên đào tạo thêm cho giáo viên về kỹ năng, tâm sinh lý học đường để kịp thời phát hiện ra các vấn đề của học sinh, từ đó có những hướng dẫn, xử lý tình huống của các em”.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Lắng nghe và chia sẻ cùng teen với "Điều em muốn nói" tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.