Cung cấp năng lượng nhanh và lành
Theo nghiên cứu của bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, 100g đậu nành có đến 400kcal và 34g đạm (protein), trong khi đó, 100g thịt heo nạc chỉ có 139kcal và 19g đạm. Không chỉ giàu năng lượng, đạm đậu nành còn chứa nhiều axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, giúp trẻ hấp thu nhanh hơn vào cơ thể.
Ngoài ra, đậu nành còn giàu acid béo không no, không có cholesterol, nên nguồn năng lượng bổ sung "lành tính" hơn so với nhiều loại thực phẩm khác.
Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành là nguồn cung cấp đạm thực vật lành mạnh cho cơ thể.
Tăng cường phát triển hệ xương và chiều cao
Trong hội thảo quốc tế về đậu nành được tổ chức vào tháng 10 tại Việt Nam, Tiến sĩ Marilyn Nash - Điều phối viên quốc tế của Trung tâm nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Mỹ (NSRL) chia sẻ, đậu nành chứa canxi và các khoáng chất tốt cho hệ xương.
Nghiên cứu của bà Marilyn cho thấy, canxi trong sữa đậu nành có hàm lượng 123mg/100g, hấp thu tốt và ngang với hàm lượng canxi 113mg/100g trong sữa bò. Nếu được bổ sung thêm vitamin D3 và kẽm, có thể thúc đẩy hệ xương phát triển và gia tăng chiều cao của trẻ.
Tiến sĩ Marilyn Nash - Điều phối viên quốc tế cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đậu nành Quốc gia Mỹ (NSRL).
Hỗ trợ phát triển trí não
Tiến sĩ Marilyn Nash cũng cho biết, hàm lượng mangan trong sữa đậu nành được ghi nhận là 0,17mg/100g. Chất khoáng vi lượng này không chỉ giúp cơ thể tạo mô liên kết, xương, các yếu tố đông máu và hormone sinh dục, mà còn cần thiết cho hoạt động của não và tế bào thần kinh.
Hàm lượng mangan trong sữa đậu nành cao so với trẻ sơ sinh (0,005 mg) nhưng phù hợp với trẻ 1-3 tuổi (1,2-2,0 mg); 4-8 tuổi (1,5-3 mg); 9-13 tuổi (1,6-6 mg); 14-18 tuổi (1,6-9 mg).
Phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Mark Messina – Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Mỹ, axit béo và đạm thực vật trong sữa đậu nành chiếm lần lượt 40% và 33% tổng năng lượng. Trong đó, gần 90% là chất béo tốt cho sức khỏe: omega 6, omega 3 và các chất béo chưa bão hòa.
Nhờ vậy, đậu nành giúp giảm 8-16% các triệu chứng tim mạch như hiện tượng cholesterol xấu trong máu, huyết áp cao, xơ cứng động mạch, tắc nghẽn động mạch vành hay tai biến mạch máu...
Đậu nành giàu omega 3, omega 6 tốt cho sức khỏe tim mạch
Báo cáo của Tiến sĩ Mark Messina cũng chỉ ra rằng, isoflavones - hoạt chất chống oxy hóa được tìm thấy chủ yếu trong đậu nành có tác dụng giảm thiểu ung thư. Đây là một loại estrogen thực vật, có cấu trúc hóa học tương tự estrogen của người, giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do.
Đồng tình với quan điểm này, nghiên cứu của Giáo sư, bác sĩ Nagato Chisato – Khoa Dịch tễ học và Y tế Dự phòng (Đại học Dược Gifu, Nhật Bản) cũng nhấn mạnh vai trò chống ung thư của hoạt chất isoflavones. Nhật hiện là nước tiêu thụ đậu nành nhiều nhất và có tỷ lệ ung thư thấp nhất thế giới. Ngay từ trong bụng mẹ, trẻ em Nhật Bản đã hấp thụ 21,7mg isoflavones mỗi ngày; 3,1mg khi 6 tháng tuổi và 15,8mg isoflavones trước khi đi học. Bà Nagato lưu ý, nếu sử dụng đậu nành càng sớm thì càng hạn chế được nguy cơ mắc ung thư.
Quốc Hội (Tổng hợp)